MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với thu nhập như hiện nay, hầu hết các CNLĐ đều chọn khu nhà trọ do người dân xây dựng để ở. Ảnh: Nam Dương

Thu nhập thấp, công nhân khó mua được nhà

Nam Dương LDO | 24/05/2022 10:51

Nhiều công nhân lao động (CNLĐ) cho biết, với thu nhập như hiện nay, họ rất khó có thể mua được nhà ở TPHCM, dù chỉ là nhà ở xã hội và mong muốn Nhà nước sớm thực hiện chính sách xây nhà ở cho CNLĐ mua hoặc thuê để cải tạo chất lượng cuộc sống.

Vợ chồng đi làm 16 năm vẫn phải đi thuê nhà

Đã 16 năm rời huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định vào TPHCM sinh sống, anh Đoàn Trần Nhiệm - CN bộ phận bảo trì Cty Nidec Việt Nam, Khu công nghệ cao TPHCM - cùng vợ con vẫn đang phải thuê nhà tại Khu giãn dân phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức, TPHCM.

Anh Nhiệm cho biết, chợ chồng anh vào TPHCM từ năm 2006, sau đó cùng vào làm tại Công ty Nidec Việt Nam. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng, do nuôi hai con nhỏ đang ăn học, cộng thêm tiền thuê nhà và điện nước nên không tích lũy được bao nhiêu.

“Thu nhập như hiện nay chúng tôi rất khó mua nhà, dù chỉ là nhà ở xã hội. Mong sao Nhà nước sớm xây nhà ở xã hội giá rẻ và ngân hàng cho CNLĐ vay thêm tiền thì mới có thể mua được nhà”, anh Nhiệm nói.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hương - CN bộ phận Plan 2, Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM) từ Quảng Trị vào TPHCM đã gần chục năm. Mỗi tháng, tiền lương của chị Hương được hơn 6 triệu đồng; chồng chị làm thợ hồ, tháng nhiều nhất cũng không đầy 8 triệu đồng. Hai vợ chồng nuôi hai con nhỏ ăn học nên không dư dả gì.

“Trước đây vợ chồng tôi thuê nhà hơn 10m2 giá 1,5 triệu đồng/tháng (cả điện, nước). Sau này, người thân cho ở nhờ. Với thu nhập hiện nay chúng tôi không bao giờ dám nghĩ đến việc mua nhà ở TPHCM. Chúng tôi cố làm ít năm nữa rồi về quê”, chị Hương bùi ngùi nói.

Còn chị Tạ Gia Nhi - CN Công ty PouYuen, đang ở trọ tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM mới vào làm tại công ty được vài tháng, lương hơn 6 triệu đồng; chồng chị làm bốc vác nên càng không dám nghĩ đến việc mua nhà ở thành phố.

Muốn được tiếp cận với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư

Chủ tịch CĐ một công ty ở KCX Linh Trung 1, TP.Thủ Đức, TPHCM cho biết, khoảng đầu năm 2020, khi một dự án nhà ở được triển khai trên địa bàn quận 9 cũ, bà đã làm tập hợp danh sách khoảng hơn 100 lao động của công ty có nhu cầu mua nhà ở xã hội để gửi cho các cơ quan chức năng xem xét. Thế nhưng, đã 2 năm qua, bà chưa hề nhận được hồi âm gì.

“Nếu Nhà nước không thật sự quan tâm, đầu tư xây nhà ở xã hội cho CNLĐ mua hoặc thuê, thì với giá cả nhà đất như hiện nay, CNLĐ sẽ không bao giờ mua được nhà ở TPHCM”, vị chủ tịch CĐ này nói.

Theo khảo sát “Đời sống công nhân tại khu nhà trọ, khu lưu trú trên địa bàn TPHCM” do LĐLĐ TPHCM phối hợp với Công đoàn Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện gần đây, nhà ở cho CNLĐ tại các KCX & CN chủ yếu có ba loại hình chính: Do Nhà nước, các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân xây dựng. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới và sửa chữa cải tạo nhà để cho thuê với diện tích sàn xây dựng gần 4 triệu m2, đáp ứng gần 975.000 chỗ ở, chiếm tỉ lệ 92,6%. “Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở đã và đang đánh mất rất lớn thị phần về nhà ở xã hội dành cho CNLĐ”, báo cáo kết quả khảo sát nhận xét.

Cũng theo khảo sát này, phần lớn CNLĐ thuê phòng trọ (83,3%), ở Khu lưu trú (15%) còn lại thuê nhà ở hay hình thức khác chỉ chiếm tỉ lệ khá thấp (1,7%).

Điều này cho thấy, CNLĐ phần lớn thuê các nhà trọ tự phát xung quanh nơi làm việc, số CNLĐ được tiếp cận với nhà lưu trú do Nhà nước đầu tư còn thấp và mới chỉ tập trung vào các KCX mà chưa mở rộng ra các khu vực có đông CNLĐ sinh sống khác như KCN hay cụm công nghiệp.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, CNLĐ mong muốn được tiếp cận với các loại hình nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư để được ổn định về nơi ở, giá thuê trong thời hạn lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn