MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hoàn cùng con nhỏ trong phòng trọ. Ảnh: Bảo Hân

Thu nhập thấp, gia đình công nhân "rụt rè" tiêu Tết

Bảo Hân LDO | 08/02/2021 19:30
Thu nhập vốn đã thấp, năm nay lại ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên nhiều gia đình công nhân dự định phải thắt chặt chi tiêu dịp Tết.

Khi được hỏi về dự định chi tiêu của gia đình trong dịp Tết, chị Nguyễn Thị Hồng Thái (49 tuổi, trú tại phường Thanh Miếu, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Thu nhập của chúng tôi khá thấp nên sẽ không chi tiêu nhiều trong dịp Tết, chỉ dành cho một số khoản cần thiết nhất mà thôi".

Hoàn cảnh gia đình chị Thái khá khó khăn. Chị làm công nhân, thu nhập chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm công nhân công ty sản xuất bia, thu nhập không ổn định. Trong khi đó, hai vợ chồng có 2 người con, một cháu học đại học, một cháu học lớp 10.

“Mỗi tháng, ngoài tiền học phí, tôi phải gửi cho con lớn đang học đại học 2 triệu đồng. Cháu nhỏ đang học cấp III cũng khá tốn kém vì phải học thêm nhiều”- chị Thái chia sẻ.

Với mức thu nhập ít ỏi, hai vợ chồng chị Thái phải tằn tiện lắm mới đủ tiêu, gần như không dành dụm được đồng nào sau nhiều năm đi làm việc. Anh chị đều tự nhủ phải cố gắng chịu đựng thiếu thốn để tạo điều kiện tốt nhất cho 2 con ăn học, mong giúp các cháu có tương lai tốt đẹp hơn.

Cách đây không lâu, chị Thái bị tai nạn, phải nghỉ làm 2 tháng khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. “Nếu trong trường hợp không có thưởng tết, cả hai vợ chồng chỉ cầm về được vài triệu đồng để tiêu Tết”- chị Thái cho hay.

“Bánh chưng thì đã có ông bà "tài trợ". Mọi năm, tôi biếu ông bà nội ngoại 2 bên một vài trăm nghìn để động viên, còn năm nay khó khăn chắc không biếu được đồng nào. Bố mẹ 2 bên cũng sẽ thông cảm thôi” - chị Thái bộc bạch. Chị Thái dự định sẽ chỉ mua một cành đào hơn 100.000 đồng để nhà có không khí Tết.

Không giống chị Thái, chị Hoàn phải thuê trọ tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Chồng chị làm công nhân, còn chị gần đây đã bỏ nghề công nhân để bán hàng online.

Thời điểm cuối năm, doanh số cuối năm kinh doanh khá ổn, nhưng số tiền lãi cũng chỉ đủ để chị mua bỉm, sữa… cho con, không có dư dả. “Tôi còn chưa ra bưu điện để lấy tiền của khách trả, đợi gần về Tết rồi mới ra lấy để “ra tấm ra món” - chị Hoàn nói.

Chị và chồng dự định sẽ mang về quê hơn 10 triệu đồng. “Đấy là mang về thôi, chứ hai vợ chồng sẽ không tiêu hết, mà phải tiết kiệm để ra Tết còn có đồng tiền mà tiêu. Mọi năm, tôi thường biếu nội, ngoại mỗi bên 2 triệu đồng. Năm nay, do đang nuôi con nhỏ nên có lẽ ông bà cũng sẽ thông cảm. Tôi sẽ biếu sản phẩm mà tôi kinh doanh cho ông bà" - chị Hoàn nói.

Để tiết kiệm tiền, chị Hoàn và chồng còn dự định nếu trời ấm áp, không mưa, cả gia đình (gồm 2 vợ chồng và con nhỏ mới gần 1 tuổi) sẽ đi xe máy về nhà để tiết kiệm. “Nếu đi taxi, cả đi cả về phải tốn hơn 1 triệu đồng. Hơn nữa, đi xe máy về để Tết đến, cả nhà còn có phương tiện đi lại”- chị Hoàn cho hay.

Ngoài chị Thái, chị Hoàn, còn rất nhiều gia đình công nhân khác khá chật vật về tài chính trong dịp Tết này. Tuy vậy, họ vẫn sẽ gác lại những lo lắng để có một cái Tết ấm áp bên gia đình, chuẩn bị cho một năm làm việc mới hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn