MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập thấp, nhiều lao động không dám mơ đến nhà ở xã hội. Ảnh: Nguyên Thi

Thu nhập thấp, nhiều lao động ở Đà Nẵng không dám mơ đến nhà ở xã hội

THÙY TRANG - THANH NGUYÊN LDO | 14/05/2023 10:19

Không chỉ nguồn cung chung cư, nhà ở xã hội tại Đà Nẵng đang thiếu mà với mức giá từ 600 triệu đồng trở lên, nhiều lao động tại Đà Nẵng gần như không thể tiếp cận được với ước mơ có được căn nhà ổn định.

Thu nhập chưa đủ để dám nghĩ đến mua nhà ở xã hội

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung (quê ở Quảng Nam) ra Đà Nẵng làm việc nhiều năm nay nhưng vẫn phải ở trọ. Con ốm, anh chị gửi cháu về ngoại ở tỉnh Quảng Nam nhờ chăm sóc. Mức thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng khiến họ chẳng dám nghĩ đến việc mua nhà ở, dù đó là nhà ở xã hội.

This browser does not support the video element.

Người lao động chia sẻ về câu chuyện thu nhập thấp nên khó mua nhà ở xã hội. Thực hiện: Thùy Trang - Thanh Nguyên

“Tôi cũng mong ước có một căn nhà, nhưng hiện tại, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, tiền ăn, tiền nuôi con còn không đủ huống chi mua nhà. Tôi cũng từng tính đến chuyện mua nhà ở xã hội, nhưng kinh phí cũng vượt quá khả năng tài chính của chúng tôi” – chị Dung chia sẻ.

Tiếp lời vợ, anh Bùi Văn Hoàng (quê ở Thanh Hóa) nói: “Thu nhập của hai vợ chồng chúng tôi mỗi tháng chỉ có 10 triệu đồng, trong khi phải chi tiêu đủ thứ như tiền ăn, uống, nuôi con, chưa kể lúc ốm đau bệnh tật.

Thời gian dịch bệnh trước đây, gia đình tôi còn phải vay mượn tiền để trang trải nhiều chi phí, nhưng hiện tại vẫn chưa trả xong nợ. Với số tiền của nhà ở xã hội tầm 500 đến 700 triệu thực sự đối với vợ chồng chúng tôi là một số tiền quá lớn”.

Trong căn nhà trọ 15m2, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, anh Hoàng dù biết ở nhà trọ có nhiều bất tiện, từ giờ giấc phải tuân thủ quy định chung của chủ trọ đến môi trường sống cho con không được tốt nhưng với thu nhập hiện tại, việc tính toán mua nhà ở xã hội vẫn còn xa vời với gia đình anh.

Chị Dung cười ngại ngùng nói, đợt mưa ngập hồi tháng 10.2022 khiến nhà trọ bị ngập. Đến chiếc điện thoại của chị bị hỏng từ đợt đó nhưng nay chị vẫn chưa mua lại.

"Tôi chẳng dám mua trả góp luôn, vì kinh tế eo hẹp quá" - chị Dung chia sẻ.

Nỗ lực tăng ca lại bị đóng thuế, không được mua

Trong khi đó, anh Lê Văn Hùng, người lao động trú quận Hải Châu, Đà Nẵng nêu thực tế, theo Luật Nhà ở, có nội dung quy định, điều kiện để người lao động được mua nhà ở xã hội là không đóng thuế thu nhập cá nhân.

Với quy định này là làm khó cho người lao động vì thực tế, để đảm bảo cuộc sống trong khi giá cả thị trường luôn biến động và tăng cao, người lao động phải nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ, mức thu nhập nhiều khi sẽ chạm đến con số bị đánh thuế.

"Đạt con số thu nhập bị đánh thuế, chúng tôi không được mua nhà ở xã hội. Còn với mức thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng, nếu vay ngân hàng thương mại mua nhà thì chi phí trả góp căn nhà với người lao động đã hết 2/3 số tiền đó, số tiền còn lại không đủ chi phí, trang trải trong tháng.

Chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ xem xét lại quy định để phù hợp với thực tiễn nhằm giúp người lao động chúng tôi có thể tiếp cận để mua nhà ở xã hội” – anh Hùng nói.

Câu chuyện nhà ở xã hội tại Đà Nẵng nóng trở lại những ngày đầu tháng 5 vừa qua khi nhiều người dân xếp hàng dài chờ nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội từ 4h sáng tại một dự án ở quận Liên Chiểu. Có người chờ nửa ngày chưa được gọi tên, thậm chí là 2 ngày rồi vẫn có người mang hồ sơ lên rồi lại quay về vì nhiều lý do.

 Người dân xếp hàng dài đợi nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội. Ảnh: Nguyên Thi

Nhưng, đó là những người còn có khả năng về kinh tế để có thể xoay sở tiền trả lãi khi vay ngân hàng để mua nhà ở xã hội. Còn với những gia đình như chị Dung và hàng nghìn lao động ngoại tỉnh khác, giấc mơ về một căn nhà ổn định vẫn còn khá xa vời khi mức thu nhập còn hạn hẹp, cuộc sống còn nhiều khó khăn và những quy định của luật chưa sát với thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn