MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Loan tận dụng mọi lúc mọi nơi để tăng thu nhập và đạt thưởng công nhân xuất sắc. Ảnh: Mạnh Cường

Thu nhập theo sản phẩm, tranh thủ từng phút làm việc

Mạnh Cường LDO | 16/06/2023 11:47

Ngày càng nhiều công ty áp dụng cơ chế khoán, tính lương theo sản phẩm làm ra, rút ngắn thời gian tăng ca hàng ngày. Cơ chế này khiến công nhân phải tranh thủ từng phút, từng giây kể cả thời gian nghỉ ngơi để làm việc, cố gắng tạo ra càng nhiều sản phẩm càng tốt.

Cầm trên tay số tiền 9,1 triệu đồng cho 26 ngày công làm việc, chị Nguyễn Thị Kiều Loan (29 tuổi, Vĩnh Phúc) tâm sự, đây là thành quả cho những ngày làm việc không có giờ nghỉ vì phải đuổi hàng liên tục.

Theo lời kể của chị Loan, công ty tính thu nhập cho công nhân theo sản phẩm, dù biết làm ít, ăn ít, làm nhiều, ăn nhiều, nhưng vẫn có quy định mức tối thiểu phải đạt được. Nếu vượt chỉ tiêu - không chỉ có thu nhập cao mà còn được xét thưởng công nhân xuất sắc cũng như đóng góp chung vào thành tích của cả chuyền.

“Làm việc với cường độ bình thường, thu nhập của tôi khoảng 7,5 đến 8 triệu đồng cho 9,5 tiếng làm việc. Vì thế, tôi phải tích cực đẩy nhanh tiến độ làm việc đồng thời tận dụng cả lúc nghỉ trưa vì buổi tối công ty không cho tăng ca, chỉ được ở lại quá 15 phút trừ khi cần hàng đi gấp” - chị Loan nói.

Do đó, trong thời gian 45 phút nghỉ trưa để ăn cơm, ngủ phục hồi sức lao động, chị Loan chỉ dành ra 20 phút để ăn cơm và đi vệ sinh, nghỉ nhanh. Sau đó, chị lại bắt tay vào làm việc. Công ty không bật đèn sáng, chị dùng đèn pin của điện thoại soi và làm việc.

Để tránh tiếng ồn ảnh hưởng đến mọi người, chị Loan cũng không mở máy may mà làm những công đoạn nhẹ nhàng hơn, như nhặt chỉ hoặc xếp, bó các mã hàng tiết kiệm thời gian cho buổi chiều làm các công việc chính, quan trọng.

Anh Nguyễn Đức Việt (27 tuổi, Nam Định) tranh thủ đến sớm hơn 10 phút buổi sáng và về muộn hơn 15 phút để làm việc. Ngoài ra, buổi trưa, anh thường bớt ra 15 phút nghỉ ngơi để đi lấy và xếp hàng chuẩn bị làm việc.

“Mỗi ngày gần 1 tiếng tranh thủ giúp chúng tôi có thêm gần triệu một tháng. Nhiều lúc thấy mệt, nhưng chỉ xin ra ngoài 5 phút hít thở không khí, hút vội điếu thuốc rồi vào làm chứ chẳng dám ở lâu mặc dù công ty cho phép ra ngoài 2 lần/ngày, mỗi lần 15 phút...” - anh chia sẻ.

Theo anh Việt, làm công bình thường chỉ cần đủ chỉ tiêu trong ngày, hết giờ thì đi về. Còn làm việc ăn lương theo sản phẩm, phải tự nhắc nhở bản thân cố gắng hết mức có thể. Đây cũng là phương châm giúp anh Việt có 5 tháng đạt mức lương trên 10 triệu đồng.

Cũng vì đẩy nhanh ước mơ có nhà ở và nhận thưởng cuối tháng của công ty, chị Nguyễn Thị Hoài (24 tuổi) công nhân May tại Nam Định quyết định làm việc không có giờ nghỉ trưa ngoại trừ lúc ăn cơm. Do đó, mỗi tối về đến nhà, chị Hoài luôn trong tình trạng mệt mỏi, rã rời chân tay, phải nằm nghỉ 15 phút rồi mới dậy làm việc khác.

“Ăn cơm xong, chúng tôi phải vào làm luôn, ở đây ai cũng thế. Công ty không bắt ép nhưng thu nhập theo sản phẩm nên phải tranh thủ. Công việc buổi trưa của chúng tôi chủ yếu là lấy hàng mới, xếp hàng đúng quy định và sửa các mã hàng cũ bị bắt lỗi trả về” - chị Hoài cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn