MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Sở LĐTBXH TP.Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Thủ tục càng đơn giản, càng có lợi cho người lao động

QUỲNH CHI LDO | 02/10/2017 19:01

Chính phủ vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH. Với 46 TTHC được cắt giảm, người lao động kỳ vọng các thủ tục và công đoạn rườm rà, có phần chồng chéo sẽ được bãi bỏ.

Giảm theo hướng tích hợp thông tin

Nội dung đơn giản hóa liên quan đến 46 TTHC của Bộ LĐTBXH thuộc 7 lĩnh vực, bao gồm: An toàn lao động (4 thủ tục); bảo trợ xã hội (11 thủ tục); giáo dục nghề nghiệp (8 thủ tục); lao động - tiền lương và quan hệ lao động (2 thủ tục); phòng chống tệ nạn xã hội (6 thủ tục); quản lý lao động ngoài nước (5 thủ tục); việc làm (10 thủ tục). Chính phủ giao Bộ LĐTBXH căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ TTHC, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm.

Với một số lĩnh vực, việc đơn giản hóa thủ tục chủ yếu là “tích hợp” thông tin cá nhân trong các bản khai khi người lao động, công dân khai hưởng chế độ. Ví dụ, trong lĩnh vực việc làm, đơn giản hóa thủ tục “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Cụ thể, sửa đổi Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31.7.2015) gồm: Bỏ thông tin ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, dân tộc, tôn giáo, nơi thường trú, chỗ ở hiện nay; bổ sung mã số định danh cá nhân và nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú). Ngoài ra, việc “Cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” cũng được đơn giản hóa thủ tục. Theo đó, sửa đổi Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Mẫu số 3a và 3b ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11.11.2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, dân tộc, giới tính, số chứng minh nhân dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp); sửa đổi Giấy xác nhận thân nhân người có công với cách mạng (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11.11.2015) gồm: Bỏ ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú đối với thông tin của thân nhân người có công với cách mạng; bổ sung số định danh cá nhân.

Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, đơn giản hóa thủ tục “Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (bao gồm cả đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng”. Cụ thể, bỏ bản sao sổ hộ khẩu của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc văn bản xác nhận của công an cấp xã về việc cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21.10.2013.

Thuận lợi cho công dân

Là người từng làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chị Nguyễn Minh Thu (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng việc đơn giản hóa các TTHC đối với người giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là rất đáng ghi nhận. Theo chị Thu, trên thực tế việc khai mã số định danh cá nhân và nơi ở hiện tại đã bao hàm đầy đủ thông tin của người lao động, việc khai các thông tin như trước kia bao gồm ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, dân tộc, tôn giáo, nơi thường trú, chỗ ở hiện tại là quá dài dòng và trùng lặp.

Chung quan điểm, anh Vũ Văn Huy (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết cũng vì không mang đầy đủ giấy tờ để khai hàng chục thông tin như bản khai đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nên anh đã phải đến trung tâm dịch vụ việc làm hai lần mới xong thủ tục khai báo. “Thủ tục, giấy tờ càng ngắn gọn thì càng có lợi cho người lao động” - anh Huy nói.

Ngoài ra, việc cơ quan chức năng bỏ 5 TTHC trong lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước cũng được người lao động đánh giá cao dù chủ yếu là thủ tục cấp địa phương. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Tống Hải Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết, việc cắt giảm thủ tục chủ yếu liên quan đến hợp đồng cá nhân ở các địa phương, một số thủ tục hỗ trợ vay vốn của chương trình mục tiêu quốc gia để đi làm việc ở nước ngoài… và không phải thủ tục tiến hành tại cục. Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Duy (Ba Vì, Hà Nội) - lao động từng đi làm việc tại Saudi Arabia - lại đánh giá cao việc cắt giảm TTHC trong quá trình vay vốn. “Thủ tục hỗ trợ vay vốn được cắt giảm một số giấy tờ khiến chúng tôi rất mừng vì việc hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ vay vốn đi xuất khẩu lao động của tôi từng rất vất vả. Cơ quan chức năng giảm được một thủ tục thì tạo thêm thuận lợi cho người lao động, điều này khiến chúng tôi vô cùng phấn khởi” - ông Duy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn