MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với công nhân miền Trung và miền Nam trong 2016 và 2017.

Thủ tướng và những giải pháp tăng năng suất lao động

L.A LDO | 17/04/2018 11:00
Trong 1 năm trước, tại cuộc đối thoại với 2.000 công nhân các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Cung thể thao Tiên Sơn (TP.Đà Nẵng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra nhiều vấn đề trong đó có hai trọng tâm là năng suất lao động và phúc lợi cho công nhân. Đó cũng là tiền đề để Tổng LĐLĐVN đưa ra chủ đề trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và CNLĐ khu vực Đồng bằng sông Hồng vào tháng 5 tới đây.

Không thể quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ, sau khi ân cần chia sẻ những khó khăn của công nhân, đã lên tiếng: “Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ an cư, lạc nghiệp”. Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, năng suất lao động sẽ quyết định sự tồn vong, phát triển của xã hội. Lãnh đạo doanh nghiệp phải có chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho công nhân để tăng năng suất.

Riêng vấn đề một số doanh nghiệp không muốn nhận công nhân ngoài 40 tuổi vì muốn sở hữu nguồn lao động trẻ năng động, Thủ tướng nói ông biết thông tin này. Nhưng chính công nhân phải tìm cách cải thiện bằng việc chủ động nâng cao tay nghề để chứng tỏ người 35 hay 40 tuổi vẫn không thua kém người trẻ. “Doanh nghiệp quan tâm đến năng suất lao động chứ không phải tuổi tác” - Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ sẽ cố gắng đưa ra thể chế để tạo được sự bình đẳng về độ tuổi cho người lao động.

Thủ tướng cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp quan tâm đến bữa ăn công nhân, không chỉ đảm bảo vệ sinh thực phẩm mà còn đầy đủ dinh dưỡng; chủ động hơn trong đổi mới công nghệ. Riêng cơ quan nhà nước cần rút ngắn những thủ tục hành chính khi doanh nghiệp nhập thiết bị công nghệ từ nước ngoài về.

Cho đến tháng 12.2017, 8 tháng sau cuộc gặp gỡ với công nhân, Thủ tướng đã đặt lại vấn đề về năng suất lao động tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng các đối tác phát triển đồng tổ chức. Tại đó, Thủ tướng đã nêu ra 5 giải pháp để tăng năng suất, phát triển 
bền vững:

Một là, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Chính phủ cũng cải thiện cơ chế phân bổ vốn cũng như khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh cải cách chính sách đất đai, tháo gỡ nút thắt về hạn điền.

Hai là, để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động. Chính phủ tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp năng suất còn thấp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn.

Ba là, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.

Bốn là, để nâng cao năng suất thành công, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Năm là, để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Chính phủ sẽ kiên định giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phát huy dân chủ cho mọi người dân, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, quyết tâm thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục xóa bỏ những rào cản về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp quan tâm hơn tới đời sống vật chất, tinh thần và tăng cường điều kiện học tập của người lao động làm động lực để nâng cao năng suất.

Hãy cùng đưa ra những giải pháp cụ thể cho vấn đề này, hướng tới cuộc gặp giữa Thủ tướng với CNLĐ. 

Mời đặt câu hỏi cho Thủ tướng

Để Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan có thông tin trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến CNLĐ, Tổng LĐLĐVN đề nghị LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành Trung ương; CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN hướng dẫn, vận động CNLĐ đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ theo các vấn đề: Việc làm, thu nhập, nhà ở, nhà trẻ, hỗ trợ công nhân học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để người lao động nâng cao năng suất lao động; cải thiện chính sách với doanh nghiệp để có thể thực hiện đầy đủ quyền lợi của CNLĐ.

Nội dung câu hỏi đề nghị gửi về địa chỉ:

gapgothutuong2018@gmail.com

hoặc gapgothutuong@laodong.vn.

Thời gian nhận câu hỏi từ ngày 13.4.2018 đến 11h00 ngày 5.5.2018.

Riêng đối với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng ngoài việc hướng dẫn CNLĐ gửi câu hỏi về địa chỉ trên, đề nghị tập hợp trực tiếp câu hỏi của công nhân (không giới hạn số lượng), tìm các câu hỏi có tính đại diện cho CNLĐ của địa phương mình, phân loại câu hỏi theo nhóm vấn đề và gửi về địa chỉ trên trước ngày 20.4.2018.

Tổng LĐLĐVN thông báo!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn