MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụm Công đoàn các khu công nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức hội nghị bàn về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Tường Minh

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, không vướng luật mà vướng cách làm

Tường Minh LDO | 25/08/2023 17:11

Bà Lê Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho hay, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc hiện nay không vướng về luật mà vướng về cách làm.

Nhiều khó khăn trong thực hiện

Ngày 25.8 tại Đà Nẵng, Cụm Công đoàn các khu công nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức hội nghị bàn về những thuận lợi, khó khăn và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Cụm Công đoàn các khu công nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ ký kết phối hợp. Ảnh: Tường Minh

Theo tham luận tại hội nghị thì ngoài những kết quả khiêm tốn đạt được, các địa phương thuộc Cụm Công đoàn các khu công nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ đều có những khó khăn chung trong quá trình triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Cụ thể là việc tiếp nhận các quy định pháp luật và triển khai thực hiện quy định về quy chế dân chủ đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, số lượng lao động ít vẫn còn lúng túng.

Nhận thức của người sử dụng lao động đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc người lao động muốn nói gì, cần gì, nguyện vọng của họ ra sao.

Có quan điểm cho rằng, vị trí của người sử dụng lao động và người lao động thực tế đã không có sự bình đẳng nên cũng không có sự dân chủ nào trong doanh nghiệp. Người lao động chỉ đơn thuần là người làm thuê và được trả lương, lương trả đủ thì các vấn đề khác không còn quan trọng.

Thậm chí cho rằng, việc pháp luật quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là hình thức, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì điều đó đã làm cho việc thực hiện quy chế dân chủ không được coi trọng trong một số doanh nghiệp.

Mặt khác, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, việc làm, thu nhập của người lao động không ổn định không “mặn mà” với việc thực hiện quy chế dân chủ, hoặc cũng có nhiều doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động lồng ghép với các hội nghị khác làm cho chất lượng, nội dung của hội nghị người lao động chưa được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp chưa chủ động trong công tác phối hợp, công tác tuyên truyền ý nghĩa và mục đích cũng như các hình thức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở làm cho người lao động chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và đối thoại định kỳ.

Vướng về cách làm

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho biết, những khó khăn trong việc thực hiện quy chế dẫn chủ ở cơ sở tại nơi làm việc hiện nay không phải do vướng về luật và cũng không nên đổ cho luật.

Bởi quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (QCDC) lần đầu tiên được cụ thể hóa bằng Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19.6.2013 sau khi Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 có hiệu lực.

Hơn 10 năm thực hiện, các quy định về QCDC được sửa đổi, bổ sung: Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 7.11.2018 thay thế cho Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1.7.2023 thay cho các quy định Nghị định 149/2018/NĐ-CP…

Theo bà Oanh, vướng nhất hiện nay là vướng về cách làm, về giải pháp thực hiện. Và bà ví dụ về một trong những cách làm hiệu quả mà Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đang làm là làm biểu mẫu.

“Để hỗ trợ cho cán bộ CĐCS và cả người sử dụng lao động về cách làm, chúng tôi đã ban hành các biểu mẫu hướng dẫn cụ thể thế nào là đối thoại, thế nào là thương lượng, thế nào là biên bản đối thoại… Và các đơn vị chỉ cần làm theo biểu mẫu nên không mất nhiều thời gian và đáp ứng được yêu cầu” - bà Oanh nói.

Để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được tốt hơn trong thời gian tới, các đại biểu dự hội nghị đề xuất các giải pháp chung gồm: Việc phát huy quyền làm chủ của người lao động là một trong những quyền được pháp luật ghi nhận thông qua các hình thức thực hiện quy chế dân chủ, vì vậy, bên cạnh sự hướng dẫn, chỉ đạo đối với các cấp Công đoàn, cần phải có sự can thiệp, vào cuộc quyết liệt của cơ quan chính quyền, các biện pháp hành chính của cơ quan lao động đảm bảo pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chuyên đề thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, nghiêm túc, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với những đơn vị trây ỳ, không chấp hành pháp luật.

Tăng cường vai trò của CĐCS trong việc thực hiện Quy chế dân chủ, tham gia, đề xuất nhiều hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, chủ động trong công tác phối hợp với người sử dụng lao động, tích cực tuyên truyền nghĩa vụ của người lao động, tinh thần, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện quy chế dân chủ.

Nâng cao công tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt Nghị định 145 của Chính phủ, Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và các chủ trương hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của Công đoàn cấp trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn