MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ BHXH vận động người lao động cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: Hồng Duyên

Thực trạng day dứt của người lao động rút BHXH 1 lần

LƯƠNG HẠNH LDO | 28/09/2023 13:00

Giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,8 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi. Ngoài lý do cần một khoản tiền để trang trải cuộc sống, có vốn làm ăn, người lao động không nghĩ đến hưởng chế độ hưu trí và thiếu niềm tin vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Thực trạng day dứt

Hơn 10 năm làm công nhân may tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), chị Lý Thị Kim (SN 1986) tưởng rằng mình sẽ gắn bó với công việc này suốt đời, cho đến khi nhận được lương hưu.

Tuy nhiên, thời gian qua, do tình hình kinh doanh của công ty không được khả quan, công nhân không được tăng ca, thường xuyên bị cắt giảm giờ làm, tiền lương chị Kim nhận về chỉ còn lại 5,3 triệu đồng/tháng.

Chồng không may bị mù, chị Kim lại phát hiện bản thân mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp, trong khi thu nhập giảm sút, không chi trả đủ các khoản chi tiêu, nhất là tiền khám, chữa bệnh... nên chị quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần.

“Nhận về hơn 200 triệu đồng nhưng tôi không thấy vui vẻ. Bởi, số tiền này chỉ có thể giúp gia đình “chống chọi” một khoảng thời gian ngắn; sau đó, tôi sẽ tìm công việc khác để đi làm” - chị Kim tâm sự. Chị Kim chỉ là một trong số nhiều trường hợp người lao động rút BHXH 1 lần.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ số liệu thống kê của cơ quan BHXH cho thấy, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,8 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH 1 lần; bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH 1 lần. Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi. Như vậy, có thể thấy người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút BHXH 1 lần là một thực trạng rất day dứt.

Theo ông Hồi, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về BHXH. Bên cạnh đó, có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của BHXH; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt.

Người lao động chưa thật sự tin tưởng?

Bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, việc người lao động lựa chọn rút BHXH 1 lần xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là từ khó khăn kinh tế chung của cả nước. Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hơn 2 năm đối phó với đại dịch COVID-19.

Việc này đã tạo áp lực lớn lên Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Giá cả và biến động thị trường khiến nhiều người dân phải rút BHXH 1 lần để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu như: Học phí cho con, chi phí chăm sóc sức khỏe…

“Ngoài nhu cầu gấp gáp về tiền để trang trải cuộc sống, liệu rằng người lao động chưa thật sự tin tưởng vào hệ thống an sinh xã hội? Nếu tìm ra được nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, chúng ta mới giải quyết được tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần” - bà An chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cũng chỉ ra người lao động không nhận thức hoặc không hiểu được BHXH sẽ là nguồn thu nhập (lương hưu), bảo hiểm y tế khi về già. Niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH rất thấp vì họ không tin số tiền đóng BHXH sẽ được quản lý tốt.

Đề xuất các giải pháp cụ thể, bà Hương cho rằng, cần tính toán để người lao động được vay một khoản tiền tương đương khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, họ không rút BHXH 1 lần, không bị mất đi thời gian đóng BHXH và vẫn có tiền.

“Hiện nay, mức đóng BHXH bắt buộc của lao động Việt Nam chiếm 32% mức lương đóng BHXH. Trong đó, doanh nghiệp đóng 21,5%, gồm các khoản: Hưu trí - tử tuất (14%); ốm đau - thai sản (3%); tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (0,5%); bảo hiểm thất nghiệp (1%); bảo hiểm y tế (3%). Người lao động đóng 10,5%, gồm các khoản: Hưu trí - tử tuất (8%); bảo hiểm thất nghiệp (1%); bảo hiểm y tế (1,5%). Như vậy, nếu muốn rút BHXH, người lao động chỉ được rút phần bản thân đã đóng” - bà Lan Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn