MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thuê lại lao động thay NLĐ bị nghỉ việc vì kinh tế sẽ bị phạt 50 triệu đồng

Nam Dương LDO | 01/05/2020 11:37
Mức xử phạt  với hành vi thuê lại lao động không đúng quy định lên tới 50 triệu đồng.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp, vì lý do này, lý do khác đã không trực tiếp ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ) mà lại đi thuê lại lao động. Quy định về việc cho thuê lại và thuê lại lao động bắt đầu có trong Bộ luật Lao động  năm 2012, cùng với đó là quy định về việc xử phạt với một số hành vi vi phạm đối với lĩnh vực này.

Trước đây, một số vi phạm khi thuê lại lao động đã bị xử phạt. Tuy nhiên, từ 15.4.2020, đã có thêm nhiều quy định mới mà doanh nghiệp thuê lại lao động sẽ bị xử phạt nếu vi phạm.

Luật sư Trần Phi Đại, Văn phòng Luật sư Phương Minh, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì đơn hàng nên sẽ phải tái cơ cấu hoặc cho NLĐ thôi việc với lý do kinh tế. Việc này pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có việc làm trở lại nhưng không tuyển dụng lao động mà đi thuê lại lao động thì sẽ bị xử phạt. Bởi lẽ Điểm d, Khoản 2, Điều 12 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định: "Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với bên thuê lại lao động khi thuê lại lao động để thay thế NLĐ bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế". Quy định này nhằm bảo đảm cho quyền lợi của NLĐ và tránh trường hợp doanh nghiệp lạm dụng lý do kinh tế để “thay máu” lao động.

Luật sư Đại cũng khuyến cáo: Nếu vì bất khả kháng, doanh nghiệp phải thuê lại lao động thì cần phải tìm hiểu kỹ xem doanh nghiệp cho thuê lại lao động có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này không. Bởi vì Điểm b, Khoản 2, Điều 12 Nghị định 28/2020/NĐ-CP cũng quy định áp dụng mức xử phạt trên trong trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng thuê lại lao động với bên cho thuê lại lao động không có giấy phép hoạt động dịch vụ cho thuê lại lao động.

Luật sư Đại cũng cho biết thêm mức phạt trên còn áp dụng khi doanh nghiệp thuê lại lao động để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động và khi  bên thuê lại lao động đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc thuê lại lao động để thay thế NLĐ đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn