MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuẩn bị suất ăn trưa cho người lao động. Ảnh: L.Nguyên

Thương lượng để có bữa ăn ca đủ chất lượng

Linh Nguyên LDO | 28/02/2022 08:05
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH của BCH Tổng LĐLĐVN về bữa ăn ca đã có 37.628 doanh nghiệp có CĐCS thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ với 5.290.834 NLĐ được hỗ trợ bữa ăn ca.

Yên tâm với bữa ăn ca tại doanh nghiệp

Khoảng cách từ nhà đến công ty khoảng 30km nên chị Đoàn Thị Hoài, công nhân Công ty TNHH May Phù Đổng rất yên tâm vì hằng ngày đi làm được ăn bữa trưa. Ngoài việc được Công ty lo cho ăn trưa, mỗi sáng dậy chị Hoài không phải tất bật chuẩn bị cặp lồng cơm. Hơn nữa, bữa ăn với những món vừa đủ no, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó chị Hoài bớt được một khoản chi hằng tháng và có điều kiện dành toàn bộ mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng để lo cho các sinh hoạt khác của gia đình…

Cũng như chị Hoài, hiện rất nhiều NLĐ trong cả nước được doanh nghiệp chi trả cho bữa ăn trưa/ăn ca với chi phí không kể tới điện nước, công nấu, tất cả đều tính cho thực phẩm.

Mới đây, khi ký kết Thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt May Việt Nam lần thứ V giữa CĐ Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam, sau 3 phiên thương lượng với nhiều hình thức (hội nghị trực tiếp và trực tuyến), hai bên đã thống nhất một số nội dung mang lợi ích cho NLĐ như về  mức lương tối thiểu, đảm bảo mức thu nhập tối thiểu bằng mức lương tối thiểu từng vùng nhân hệ số 1,14. Bên cạnh đó, về mức ăn giữa ca tăng 2000 đồng/vùng. Cụ thể: Vùng 1: 16.000 đồng; Vùng 2: 15.000 đồng; Vùng 3: 14.000 đồng và Vùng 4: 13.000 đồng (mức ăn này chỉ tính chi phí mua bán thực phẩm, không bao gồm giá thành điện nước, thuê nhân công phục vụ nấu nướng, dọn dẹp)… Dệt May là ngành đầu tiên và duy nhất đến nay có TƯLĐTT cấp ngành.

Giao chỉ tiêu điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca

Các cấp CĐ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH về bữa ăn ca cho thấy sau 5 năm thực hiện đã có 37.628 doanh nghiệp có CĐCS thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ, đạt tỉ lệ 81,56% tổng số doanh nghiệp đã thành lập CĐCS, tăng 15.862 doanh nghiệp, tăng tương đương 1,72 lần so với năm 2016 với 5.290.834 NLĐ được hỗ trợ bữa ăn ca, tăng 1.011.436 người so với năm 2016. Có 35.202 doanh nghiệp thực hiện giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên, đạt 93,55%, tăng 19.936 doanh nghiệp, tăng tương đương 2,36 lần so với năm 2016. Trong đó năm 2021, có 2.860 CĐCS thương lượng, điều chỉnh giá trị bữa ăn ca lên mức bằng và cao hơn 15.000 đồng, đạt 116% chỉ tiêu. 

Các cấp CĐ đang rất nỗ lực để thương lượng được mức tốt nhất cho bữa ăn ca của NLĐ. Ví dụ, tại Hà Nội, hiện các bản TƯLĐTT đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất 15.000 đồng. Hầu hết các bữa ăn trong khoảng từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng… Năm 2022, LĐLĐ Thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu tăng mới doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca thực hiện theo quy định tại Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18.01.2022 của BCH Tổng LĐLĐVN về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25.02.2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Cụ thể về mức giá trị bữa ăn ca của NLĐ từ bằng hoặc hơn 20.000 đồng/suất nếu doanh nghiệp tự tổ chức nấu bữa ăn ca cho NLĐ; từ bằng hoặc hơn  25.000 đồng/suất, nếu doanh nghiệp thuê đơn vị dịch vụ cung cấp suất ăn ca cho NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn