MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đang mong ngóng khoản thưởng Tết sau 1 năm làm việc. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Bảo Hân.

Thưởng Tết bằng hiện vật: Có lo doanh nghiệp lợi dụng?

Bảo Hân LDO | 15/12/2020 14:08

Tết Nguyên đán 2021 là năm đầu tiên thực hiện quy định thưởng Tết không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng hiện vật theo như quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Bộ luật Lao động 2019 quy định về “thưởng” thay vì “tiền thưởng” như Bộ luật Lao động 2012.

Theo đó, khái niệm thưởng cho người lao động cũng được mở rộng, có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Bình luận về nội dung này, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Bộ luật Lao động 2012 quy định thưởng là khoản tiền của người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng suất, chất lượng hiệu quả làm việc của người lao động.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã sửa: Thưởng có thể bằng tiền, tài sản, bằng hình thức khác.

Như vậy, người sử dụng lao động không chỉ thưởng bằng tiền như quy định hiện nay mà có thể thưởng bằng tài sản, hình thức khác như cổ phần, cổ phiếu, hiện vật mà doanh nghiệp có được.

Ông Quảng cho hay, có một số người lao động lo lắng rằng, nếu quy định như vậy thì sẽ có nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng quy định này để lấy những sản phẩm của doanh nghiệp không tiêu thụ được để thưởng cho người lao động.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định ở Bộ luật Lao động năm 2019 về thưởng đa dạng như vậy là phù hợp, linh hoạt với cơ chế thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay có những khoản thưởng rất hữu ích, phù hợp với người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã thưởng cho người lao động những tài sản rất giá trị như xe máy, ôtô, căn hộ… tức là bằng nhiều hình thức thưởng khác” - ông Quảng bình luận.

Ông Quảng cho biết thêm, từ trước đến nay có một số trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn nên dùng biện pháp lấy một số sản phẩm của họ, ví dụ như một số doanh nghiệp tặng màn tuyn, nước mắm, thậm chí gạch xây nhà… để thưởng Tết cho người lao động.

“Thực ra, đây là những trường hợp doanh nghiệp hết sức khó khăn, và họ cũng rất thiện chí muốn có một khoản cho người lao động. Có thể có doanh nghiệp không khó khăn, có điều kiện nhưng lại lợi dụng quy định, lấy sản phẩm tặng người lao động để người lao động tiêu thụ “hộ” sản phẩm của mình, nhưng tôi nghĩ rằng rất ít trường hợp như vậy xảy ra”- ông Quảng nhận định.

Lý giải về nhận định này, ông Quảng cho rằng, luật pháp đã quy định rõ ràng: Thưởng là của người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, nhưng thưởng phải có quy chế, và quy chế này phải được sự tham gia của tổ chức công đoàn và phải công bố công khai.

“Do đó, doanh nghiệp lợi dụng chính sách như vậy để đẩy khó khăn về cho người lao động thì tổ chức công đoàn phải tham gia vào quy chế thưởng. Tôi cho rằng, thực ra lâu nay chỉ xảy ra một vài trường hợp, chứ không phải phổ biến, nên chúng ta hoàn toàn yên tâm”- ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, để tránh những trường hợp doanh nghiệp lợi dụng quy định, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải vào cuộc, phải xây dựng, tham gia một cách tích cực, phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp trong quy chế thưởng.

“Có như vậy mới vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, vừa động viên người lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp” – ông Quảng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn