MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chủ trì buổi làm việc giải quyết chế độ cho công nhân lao động của Công ty TNHH Keysheen Việt Nam (bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phải cắt giảm lao động) vào thời điểm tháng 10.2021. Ảnh: M. Hiểu

Thưởng Tết bằng tiền, doanh nghiệp còn thưởng thêm hiện vật

THƯ HÂN LDO | 02/12/2021 10:48
Dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cố gắng xoay xở để duy trì thưởng Tết. Ngoài thưởng bằng tiền mặt, có những công ty chuẩn bị thêm quà tặng cho người lao động.

Mong ngóng khoản thưởng Tết

Làm nhân viên văn phòng tại công ty điện tử tại Khu Công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), chị Nguyễn Thị Mận rất mong ngóng khoản thưởng Tết mỗi dịp cuối năm. Như những năm trước, công ty của chị Mận thưởng hơn 1 tháng lương. Mức thưởng còn căn cứ vào đánh giá hiệu suất công việc, nếu được đánh giá ở mức cao hơn thì sẽ được thưởng cao hơn.

Thời điểm này, công ty chưa thông báo về kế hoạch lương thưởng, chị Mận cho biết: “Dù năm nay ảnh hưởng của COVID-19, chúng tôi mong muốn công ty duy trì thưởng như mọi năm”.

Dịch bệnh kéo dài, công ty may mặc (Hải Dương) mà chị Nguyễn Thị Thúy làm việc bị ảnh hưởng lớn. Nhiều thời điểm công ty không có đơn hàng, công nhân phải làm việc luân phiên, giãn việc. Đến thời điểm này, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, công ty hoạt động bình thưởng trở lại, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm và các đơn hàng cho năm tới.

Chị Thuý cho biết cũng nhận được thông báo của công ty sẽ cố gắng xoay xở có thưởng Tết cho người lao động. Song vẫn chưa có mức thưởng cụ thể, thông thường phải cuối tháng 12. “Năm ngoái Tết Dương lịch, mỗi lao động được thưởng 500.000 đồng. Tết Nguyên đán được thưởng 2 triệu đồng cùng quà Tết là sản phẩm của công ty. Năm nay dịch bệnh tác động nặng nề hơn, tôi e rằng thưởng còn thấp hơn năm trước” - chị Thuý nói.

Cũng trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Tuấn - nhân viên marketing tại một doanh nghiệp kinh doanh các dòng mỹ phẩm dành riêng cho nam tại Hà Nội - cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh số công ty giảm khoảng 30%. Trong nhiều tháng khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, công ty đã cắt giảm 50% lương tháng của nhân viên, từ gần 9 triệu đồng/tháng, mức lương của anh Tuấn chỉ hơn 4 triệu đồng.

Cuối năm, dù chưa có thông báo chính thức về mức thưởng Tết, nhưng anh Tuấn cũng như nhiều đồng nghiệp khác cũng đã xác định năm nay sẽ không có thưởng. “2 năm liền bị ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, sức mua của người dân giảm, tình hình kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lương thưởng đều bị cắt giảm. Tết năm ngoái công ty cũng không có thưởng Tết, năm nay tình hình còn khó khăn hơn nên cũng không hy vọng sẽ có thưởng” - anh Tuấn chia sẻ.

Thưởng thêm bằng hiện vật

Ông Trần Trung Kiên - Giám đốc Phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Nhập khẩu và phân phối American Care - chuyên phân phối linh kiện ôtô - cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua sắm trong lĩnh vực ôtô giảm mạnh, doanh thu công ty bị sụt giảm.

Thời điểm này, ông Kiên cho biết, doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể, nhưng dự kiến vẫn có thưởng. “Chúng tôi vẫn sẽ thưởng để khích lệ tinh thần người lao động, dù công ty mới thành lập nhưng nhân sự làm việc đều là những người có từ 10-20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ôtô, do đó doanh nghiệp vẫn sẽ có mức thưởng Tết để động viên người lao động” - ông Kiên nói.

Còn ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, do tình hình khó khăn, khả năng các doanh nghiệp thưởng 1 tháng lương tối thiểu vùng; một số doanh nghiệp được thưởng theo tiền lương thu nhập; còn lại một số chưa có kế hoạch gì về thưởng Tết.

Ông Quyết cũng cho biết thêm, ngoài việc thưởng tiền cho người lao động, có những doanh nghiệp còn thưởng thêm bằng hiện vật cho người lao động, ví dụ, có đơn vị mua những sản phẩm gia dụng thiết yếu cho đời sống như bộ xoong nồi inox, bếp từ, lò vi sóng... để người lao động lựa chọn.

Trong Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, Điều 104 quy định về “thưởng” thay vì “tiền thưởng”. Cụ thể, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động bằng tiền, trong Bộ luật Lao động sửa đổi đã mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn