MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mong ngóng thưởng Tết. Ảnh minh họa: Nam Dương

Thưởng Tết để giữ chân người lao động

THƯ HÂN LDO | 30/11/2021 10:42
Câu chuyện thưởng Tết được người lao động trông chờ nhất vào mỗi dịp cuối năm. Nhu cầu chi tiêu dịp Tết tăng lên, ai cũng mong có thêm một khoản để trang trải cuộc sống. Song năm nay tác động của dịch COVID-19, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng thưởng Tết sẽ bị ảnh hưởng.

Khoản động viên người lao động

Chị Tô Thị Kình - công nhân một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - cho biết, đến thời điểm này, công ty chưa có thông báo về tiền thưởng Tết Nhâm Dần 2022 cho công nhân. Thường phải đến gần Tết, công ty mới thông báo mức thưởng. Tuy vậy, chị Kình dự đoán năm nay sẽ được thưởng 1 tháng lương cơ bản như những năm trước. “Tôi làm ở công ty đã 3 năm. Năm đầu tiên, do mới vào làm, không đủ một năm làm việc, nên tôi chỉ được thưởng Tết hơn 1 triệu đồng. Năm trước, tôi được 4,3 triệu đồng - mức lương cơ bản của tôi. Mức lương cơ bản của tôi năm nay vẫn giữ nguyên nên có lẽ mức thưởng Tết cũng chỉ bằng năm ngoái” - chị Kình nói.

Mức thưởng Tết này, chị Kình cho rằng thấp. “Được tầm 5 triệu đồng thì hợp lý hơn” - chị Kình chia sẻ. Đã lập gia đình, để lại chồng cùng 2 con ở quê Lạng Sơn, chị Kình một mình lên Bắc Giang làm công nhân kiếm sống. Chồng chị không có việc làm, chị trở thành trụ cột trong nhà. Nếu không tăng ca, thu nhập của chị chỉ được khoảng 6 triệu đồng/tháng; nếu được tăng ca, chị có thể kiếm được từ 8-10 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, chị cắt một nửa lương để gửi về quê cho chồng con. Chị Kình bảo, do lương cơ bản thấp nên nếu muốn tăng thu nhập, chị buộc phải đi làm thêm.

Nhiều tháng nay, do dịch COVID-19, chị Kình chưa thể về gặp chồng con. Nếu về, phải xét nghiệm, rồi cách ly, hơn nữa, đang cuối năm chị Kình muốn làm việc càng nhiều càng tốt để kiếm thêm tiền tiêu cuối năm. “Có tiền thưởng Tết, tôi sẽ mua quần áo, sữa cho các con khi về quê ăn Tết” - chị Kình chia sẻ về dự định.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - người lao động ở huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội - cho rằng, nhìn chung doanh nghiệp và người lao động trong năm nay bị ảnh hưởng khá nặng về do dịch COVID-19. Song, nguồn lực của người lao động không nhiều, ai cũng trông chờ vào công việc cả năm qua. “Do đó, cuối năm, dù ít dù nhiều, doanh nghiệp cũng nên có hình thức thưởng tới người lao động. Đây là sự động viên để người lao động yên tâm gắn bó với công việc sau Tết” - ông Tuấn nói.

Chia sẻ với doanh nghiệp 

Thưởng Tết là mối quan tâm rất lớn đối với mỗi người lao động dịp cuối năm. Bà Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Chánh Văn phòng Liên hiệp Hợp tác xã Ocop Việt Nam - cho biết: “Mức lương thưởng tuỳ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Muốn người lao động gắn kết lâu dài, doanh nghiệp cần tính tới việc khen thưởng, dù ít hay nhiều cũng nên có một khoản cho người lao động”

Tuy nhiên năm nay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị khó khăn. Vì vậy, bà Thúy cũng mong người lao động có những nhìn nhận tích cực và chia sẻ về vấn đề thưởng Tết với doanh nghiệp. 

Thời điểm này hằng năm, Bộ LĐTBXH đều có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tình hình thưởng tết của doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, bộ sẽ tổng hợp các báo cáo để có “bức tranh” tổng thể về lương, thưởng Tết cho người lao động trong các doanh nghiệp.

Trao đổi với PV ngày 29.11, ông Nguyễn Huy Hưng - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTBXH) - cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo thưởng tết năm 2022 chậm hơn mọi năm. “Chúng tôi sẽ có công văn cho các doanh nghiệp. Sau đó, họ có báo cáo về bộ. Chúng tôi là đơn vị tổng hợp báo cáo của các địa phương sau đó sẽ có đánh giá” - ông Hưng nói.

Năm trước, Bộ LĐTBXH có báo cáo kế hoạch thưởng Tết tại 62.640 doanh nghiệp (tương ứng với 4,65 triệu lao động, chiếm 17,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) được thống kê từ 63 tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, khoảng 55,6% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán năm 2021. Như vậy, khoảng hơn 50% doanh nghiệp có báo cáo về kế hoạch thưởng Tết năm trước, ông Hưng cho rằng, dưới sự tác động của dịch COVID-19 thì thưởng tết của các doanh nghiệp chắc chắn bị ảnh hưởng.

l Ông Tateyama Hirokazu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam - cho biết, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phải dừng sản xuất. Khi Bắc Giang là “tâm dịch”, công ty đã có nhiều sáng kiến, cách làm mới, nhờ đó các xưởng sản xuất của công ty vẫn sáng đèn, không bị gián đoạn sản xuất. Đó là lý do, dịp Tết Nhâm Dần 2022 sắp đến, doanh nghiệp này vẫn duy trì các khoản thưởng cho người lao động.

“Mặc dù thời điểm này chúng tôi chưa ban hành kế hoạch thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên và người lao động. Tuy nhiên, cân đối doanh thu năm 2021, chúng tôi vẫn duy trì thưởng 2 tháng lương cơ bản cho người lao động. Cố gắng thưởng Tết là cách nhà máy giữ chân lao động cho năm tới” - ông Tateyama Hirokazu chia sẻ.

l Trao đổi với Lao Động, bà Lê Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhôm Đô Thành (Hà Nội) - đánh giá, mức thưởng Tết của đơn vị này dự kiến không thay đổi nhiều so với năm ngoái, trung bình người lao động sẽ nhận được 1 tháng lương cơ bản với Tết Dương lịch và 1 tháng thu nhập với Tết Âm lịch. Do vậy, mức thưởng Tết đối với công nhân dao động từ 7 - 10 triệu đồng, nhân viên từ 15 - 25 triệu đồng, còn các vị trí nhân sự cấp trung trở lên mức thưởng sẽ cao hơn.Cường Ngô


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn