MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mong chờ khoản thưởng Tết để trang trải dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Tùng

Thưởng Tết là động lực để người lao động thêm gắn kết với công ty

Văn Tùng LDO | 18/12/2023 06:18

Trong bối cảnh tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng người lao động vẫn đặt kỳ vọng vào khoản thưởng Tết. Với nhiều người, thưởng Tết chính là dịp để nhìn lại cách doanh nghiệp đối xử, giữ chân người lao động.

Cũng giống như nhiều NLĐ khác, thời điểm này anh Lê Văn Toàn công nhân tại Công ty Cổ phần Ximăng Tân Quang (TP Tuyên Quang) khá quan tâm tới chuyện thưởng Tết bởi năm nay được đánh giá là khó khăn trong sản xuất kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải gồng mình lên chống đỡ với đủ các khoản chi phí.

“Tôi nghe nói năm nay công ty sẽ có thưởng Tết, khả năng không cao hơn năm ngoái bởi nhiều khó khăn nhưng như thế cũng là tốt rồi. Dù ít hay nhiều thì vẫn nên có thưởng Tết bởi đây là khoản tiền mà ai cũng mong chờ. Tôi nghĩ thưởng Tết cũng là thể hiện sự quan tâm, cách đối xử của công ty với NLĐ” - anh Toàn chia sẻ.

Trong năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm nhưng Công ty Cổ phần Ximăng Tân Quang vẫn giữ nguyên mức thưởng như năm trước. Trong đó, thưởng Tết Dương lịch là 4 triệu đồng/người, thưởng Tết Nguyên đán 7 triệu đồng/người.

Ông Lê Danh Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần Ximăng Tân Quang cho biết: “Việc thưởng Tết là động lực để cán bộ, nhân viên, NLĐ thêm gắn kết với công ty, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Dù khó khăn nhưng chúng tối vẫn cố gắng đảm bảo khoản tiền này, đó cũng là trách nhiệm và sự đồng hành cùng NLĐ”.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, chuyện thưởng Tết là cả bài toán khó. Thời điểm năm 2022 khi đơn hàng, sản xuất gặp khó, một số đơn vị phải cắt giảm lao động, đến năm 2023 khi đơn hàng trở lại, việc tuyển dụng lại không dễ. Có những doanh nghiệp gần cuối năm mới tuyển được lao động.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seshin VN2 (Tuyên Quang) cho hay: “Chúng tôi mới tuyển thêm được hơn 300 công nhân để đáp ứng đơn hàng, mặc dù khó khăn vào nhiều lao động mới nhưng chúng tôi vẫn sẽ bố trí tài chính để thưởng Tết cho NLĐ cả cũ và mới, cố gắng không thấp hơn năm trước. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn công ty sẽ có chính sách hỗ trợ thêm”.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn hiện có hơn 47.000 lao động đang làm việc tại 2.498 doanh nghiệp. Mức lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có báo cáo đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Riêng đối với mức thưởng Tết có biến động theo tình hình của từng năm và sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị.

Mức thưởng Tết bình quân 3 năm gần đây được đánh giá có chiều hướng tăng, tuy không quá cao nhưng cũng thể hiện sự cố gắng và trách nhiệm của doanh nghiệp với NLĐ. Năm 2021, mức thưởng bình quân cho người lao động của doanh nghiệp là gần 3,3 triệu đồng/người, đến năm 2023 là trên 3,4 triệu đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng Tết cao nhất với bình quân gần 6 triệu đồng/người.

Trao đổi với PV, bà Chẩu Thị Thu - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang - cho biết, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động thực hiện việc trả lương, trả thưởng cho đoàn viên, NLĐ vào dịp Tết. Đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, tạm dừng hoạt động.

“Chúng tôi yêu cầu tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, trả lương, trả thưởng Tết cho NLĐ đảm bảo đúng thời điểm khẳng định trách nhiệm và mong muốn giữ chân NLĐ của doanh nghiệp”, bà Chẩu Thị Thu - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang - chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn