MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân ngành may luôn muốn được thưởng Tết cao hơn để họ có thêm chút tiền trang trải vào dịp cuối năm cho gia đình. Ảnh minh họa: Quế Chi

Thưởng tết sẽ cao hơn năm 2019?

Lê Hoa - Tất Thảo LDO | 17/12/2019 14:14
Ngày 20.12 là hạn cuối mà 63 tỉnh, thành trong cả nước phải báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Hiện tại, thông tin mà người lao động (NLĐ) mong đợi nhất chính là tiền thưởng Tết mà họ sẽ được nhận sau một năm làm việc vất vả. Liệu tiền thưởng Tết Nguyên đán 2020 của NLĐ có cao hơn năm ngoái?

Mong chờ khoản thưởng lớn nhất trong năm   

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hiền - công nhân (CN) KCN Đình Trám, tỉnh Bắc Giang - cho biết, cho đến thời điểm này, Công ty (Cty) nơi chị làm việc vẫn chưa có thông báo thưởng Tết cho NLĐ. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, Cty chị đều thưởng tháng lương thứ 13 cho CN, nên chị có thể đoán được mức thưởng của mình là bao nhiêu.

“Mức tiền cụ thể như thế nào tùy thuộc vào mức lương cơ bản mà CN đang được hưởng. Những CN làm việc trên 1 năm sẽ được khoảng 4 triệu đồng/người. Tôi có mức lương cơ bản là 3,9 triệu đồng/tháng, nhưng do mới làm ở Cty được 6 tháng nên tôi tự tính mình chỉ được khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra, trong dịp Tết Dương lịch, Cty cũng có những phần quà bằng hiện vật cho CN” - chị Hiền tính toán.

Theo chị Hiền, mức thưởng Tết của Cty là thấp. Cùng với những yếu tố khác như: Lương thấp, điều kiện làm việc… nên chị dự định sau Tết sẽ đi tìm việc ở Cty khác.

Còn chị Vũ Thị Nhung - CN Cty cổ phần May xuất khẩu Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) - cho hay, chị làm tại Cty được 5 năm với mức thu nhập bình quân là 7 triệu đồng. “Năm nay, theo như kế hoạch Cty đặt ra, thưởng Tết cho CN bình quân là 18 triệu đồng. Với số tiền này, cộng với tiền lương tháng 1 là 7 triệu đồng nữa, tôi có khoảng 25 triệu đồng. Đây là số tiền lớn nhất trong năm mà tôi có thể nhận được. Với số tiền này, tôi sẽ dành để sắm Tết; chúc Tết ông bà nội ngoại hai bên, còn lại sẽ cất đi để nuôi 2 con ăn học. Như năm ngoái, sau khi chi tiêu Tết, tôi còn để lại được 10 triệu đồng để lo trang trải sau Tết” - chị Nhung chia sẻ.

Cty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã có thông báo về tình hình thưởng Tết đối với 7.800 CN của Cty. Theo đó, cũng giống như năm ngoái, Cty sẽ thưởng 1,1 tháng lương cho CN. Nhưng do năm nay, lương của CN đã tăng hơn, nên số tiền CN nhận được sẽ nhiều hơn. Cụ thể, dự kiến thưởng Tết Nguyên đán cho CN bình quân là 8.690.000 đồng, thấp nhất là 6.600.000 đồng, cao nhất là 15.400.000 đồng. Bên cạnh đó, tiền dự kiến thưởng Tết Dương lịch bình quân là 300.000 đồng/người. “Bên cạnh thưởng tiền, Cty còn bầu chọn 500 CN tiêu biểu để thưởng bằng hiện vật như chăn ga, cây lọc nước, đồ gia dụng xoong nồi đa năng, bếp từ...” - bà Vũ Thị Thanh Hà, Chủ tịch CĐCS Cty, cho biết.

Ở góc độ người sử dụng lao động, ông Trần Văn Khang - Tổng Giám đốc Cty May Đông Bình (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) - nói rằng, đến thời điểm này, Cty vẫn chưa có thông báo tiền thưởng Tết Âm lịch cho CN, nhưng dự kiến Cty sẽ thưởng một tháng lương thứ 13 cho CN. “Theo tính toán, CN được nhận thưởng cao nhất là trên 10 triệu đồng, thấp nhất là 5-6 triệu đồng. Hàng năm, Cty luôn chuyển sớm tiền thưởng Tết cho CN để tạo điều kiện cho họ có thời gian mua sắm cuối năm. Như năm nay, dự kiến Cty sẽ chuyển tiền thưởng Tết vào ngày 15 tháng Chạp âm lịch” - ông Khang nói. 

Có thể cao hơn năm trước 

Khi được hỏi về vấn đề thưởng Tết cho CN trong các KCN tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ - cho biết, hiện CĐ các KCN tỉnh đang tổng hợp tình hình thưởng Tết từ các CĐCS doanh nghiệp (DN) để báo cáo lên LĐLĐ tỉnh. Tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng, như mọi năm, thường các DN sẽ có tháng lương thứ 13 cho CN. DN có tình hình sản xuất kinh doanh khá hơn thì sẽ có mức cao hơn cho CN.

“Tại các KCN tỉnh, vẫn có khoảng vài chục trường hợp người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động dịp Tết do DN không ký được đơn hàng. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng của các DN trong các KCN vẫn có, nên họ có thể sang các DN khác làm việc. CĐ các KCN tỉnh đang tiến hành rà soát, tổng hợp những trường hợp NLĐ khó khăn dịp Tết để có thể có sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời” - ông Sinh cho biết.

Còn bà Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam - thông tin, hiện CĐ các KCN đang tập hợp báo cáo của các CĐCS, dự kiến đến cuối tháng 12 mới có tổng hợp đầy đủ về tình hình thưởng Tết của các DN. Theo bà Phượng, năm nay, các DN thức ăn chăn nuôi trong các KCN gặp nhiều khó khăn, do vậy, thưởng Tết sẽ không bằng năm trước. Năm trước, các DN này thưởng tháng lương thứ 13 cho CN khoảng 7-8 triệu đồng.

Nhận định về thưởng Tết năm 2020, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay, năm nay, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8%. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng lên. Mặt khác, thời điểm này xuất hiện tình trạng các DN phải đăng tải thông báo tuyển dụng lao động mà không tuyển được lao động. Như vậy, nguồn cung lao động đang thấp hơn cầu sử dụng, điều này dự báo khả năng khan hiếm lao động vào dịp cuối năm. Vì vậy, ông Lợi dự báo mức thưởng Tết của các DN tăng lên, có thể cao hơn năm trước một chút.

Ông Lợi lý giải về dự báo này: “Nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, NLĐ sẽ không quay trở lại làm việc tại DN sau Tết Nguyên đán. Hơn nữa, việc tăng trưởng kinh tế tốt, DN phát triển nên khả năng thưởng Tết khả quan, đặc biệt rơi vào một số ngành ngân hàng, tài chính có mức thưởng nổi bật. Tiền thưởng Tết khả quan, NLĐ có động lực làm việc, gắn bó lâu dài với DN và tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế của đất nước”.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã yêu cầu 63 địa phương khảo sát tình hình nợ lương, thưởng và thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; hạn gửi báo cáo là ngày 20.12. Theo đó, Bộ LĐTBXH yêu cầu thống kê 4 nhóm DN chính trong nền kinh tế, gồm: Cty TNHH 1 thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu; DN có vốn góp của Nhà nước, DN tư nhân, DN FDI.

Về tình hình nợ lương năm 2019, Bộ LĐTBXH yêu cầu các địa phương tập trung vào lao động thuộc 4 nhóm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt phân tách rõ các nguyên nhân gây nợ lương như: Chủ DN bỏ trốn, DN đóng cửa, DN khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTBXH - cho biết: “Đến thời điểm hiện tại (ngày 16.12), vẫn chưa có địa phương nào gửi báo cáo về tình hình nợ lương, thưởng và thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn