MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - trình bày báo cáo kết quả thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Tỉ lệ phụ nữ không có lương hưu khi về già cao hơn nam giới

Quế Chi LDO | 22/05/2024 10:37

Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới khi tỉ lệ không có lương hưu, độc lập về tài chính khi về già của phụ nữ là cao hơn nam giới.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết như trên khi trình bày báo cáo kết quả thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 22.5.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong năm 2023, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã có những tiến triển rõ rệt. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021 (từ thứ 87/146 quốc gia lên thứ 72/146 quốc gia). Khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực được thu hẹp.

Bà Nguyễn Thúy Anh nêu lên một số thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới, trong đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Phụ nữ Việt Nam chiếm 57,82% dân số cao tuổi và có tỉ lệ cao hơn so với nam giới là người cao tuổi ở tất cả các nhóm tuổi.

“Do vậy, phụ nữ cao tuổi dễ rơi vào tình trạng sống một mình, cô đơn và mắc bệnh mạn tính nhiều hơn so với nam giới. Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới khi tỉ lệ không có lương hưu, độc lập về tài chính khi về già của phụ nữ là cao hơn nam giới” - bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến cuối năm 2023 có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030; 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội và thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với năm 2022 và những năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn 4 chỉ tiêu còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025, đặc biệt là tỉ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng, việc thí điểm triển khai cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới còn gặp những khó khăn.

Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam đã nhận xét, Chính phủ Việt Nam luôn duy trì động lực thúc đẩy bình đẳng giới và đạt được 4 thành tựu nổi bật trong thời gian qua.

Theo đó, Việt Nam củng cố chính sách và pháp luật về bình đẳng giới, thể hiện qua việc ban hành các chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, mới đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Sự tham gia vào chính trị của phụ nữ Việt Nam đạt kết quả khá cao. Tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội đã tăng lên trên 30,36%, cao hơn trung bình toàn cầu là 25%; 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ (đạt 74,6%).

Sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động cao so với thế giới và gần bằng với nam giới (72% đối với phụ nữ so với 82% đối với nam giới). Việt Nam đang hoàn thành vượt mục tiêu sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động duy trì và gìn giữ hòa bình.

Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn