MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tỉ lệ qua đào tạo thấp gây áp lực cho việc tăng năng suất lao động

ANH THƯ LDO | 16/09/2022 10:59
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến nay, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ của Việt Nam mới chỉ đạt trên 26% và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa lao động nam và lao động nữ. 

Chất lượng lao lao động cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (25,99%), vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (25,75%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61).

Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Mặc dù vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, về mặt tổng thể, Việt Nam chưa tạo ra được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao. Người học tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm; quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa phù hợp.

Chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động, do vậy chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, cũng như chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.

Tuy nhiên, vấn đề lao động có bằng cấp, chứng chỉ thấp, lao động trong nông nghiệp và khu vực phi chính thức cao sẽ đặt ra những áp lực lớn để tạo việc làm bền vững, tăng năng suất lao động.

Tại tọa đàm phát triển thị trường lao động do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhận định, tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp do vấn đề nằm ở quá trình đào tạo, phân luồng từ học sinh cơ sở.

Theo vị này, ở các nước, số lượng học sinh trường nghề luôn áp đảo, tuy nhiên ở Việt Nam tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông vào đại học lại áp đảo. Từ việc này tạo ra áp lực cạnh tranh với học sinh trường nghề, điều này dẫn tới đầu vào của các trường nghề gặp khó khăn.

Cục trưởng Cục Việc làm đánh giá, nhìn tổng thể về thị trường lao động như hiện nay, thị trường lao động chưa đến mức mất cân bằng cung - cầu. Sự mất cân bằng xảy ra ở những thị trường hẹp, những thị trường đòi hỏi trình độ lao động có tay nghề cao.

"Thị trường lao động trước đây là thị trường giá rẻ, rất dễ tuyển dụng. Tuy nhiên thời điểm hiện tại lực lượng lao động có sự cạnh tranh nhiều hơn dẫn tới các doanh nghiệp ở các địa bàn khác nhau cũng có sự cạnh tranh nguồn lực lao động" - ông Bình nói.

Nhiệm vụ của ngành lao động ở đây là đẩy mạnh vận hành thông suốt giữa cung - cầu của thị trường lao động để không xảy ra ách tắc cục bộ. Quá trình dịch chuyển lao động từ quê đến các địa phương trong thời gian trước đây đòi hỏi phải ổn định cuộc sống cho người lao động.

"Các địa phương muốn giữ lao động ở lại cần phải quan tâm, đầu tư hạ tầng xã hội để người lao động họ trở thành dân cư ở đó thì mới có lực lượng lao động lâu dài" - Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn