MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tỉ lệ thợ mỏ hầm lò bỏ việc cao, Tập đoàn Than Khoáng sản gặp khó

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 28/06/2023 15:55

Một thực tế khó khăn mà Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang phải đối diện đó là thiếu hụt nhân lực. Công tác tuyển sinh thợ mỏ hầm lò rất khó vì hiện nay số lượng tuyển sinh chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; Chất lượng đầu vào của lao động học nghề dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tỉ lệ lao động thợ mỏ hầm lò bỏ việc trong năm 2022 vẫn còn cao, lên tới trên 70% là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị Người lao động năm 2023 của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức ngày 28.6. 

Diễn biến này ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho những năm sau. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có nguy cơ thiếu nguồn cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ có trình độ đại học chuyên ngành mỏ để thay thế.

Theo phía TKV, để tăng cường công tác tuyển sinh học sinh theo học các nghề mỏ hầm lò, công ty khai thác than - khoáng sản phải chịu trách nhiệm tuyển sinh 20% số học sinh theo kế hoạch đào tạo của đơn vị mình bằng phương thức “truyền thông tự thân”.

Năm 2022, chỉ có 3 đơn vị đạt và vượt kế hoạch tuyển sinh là Công ty CP than Mông Dương (146%), Quang Hanh (111%), Hòn Gai (135%). Các đơn vị còn lại đạt thấp, trong đó có 3 đơn vị có tỉ lệ đạt dưới 30% gồm: Khe Chàm (26%), Nam Mẫu (13%), Xây lắp mỏ (23%).

Ngoài ra, năm 2022, vẫn còn 2.104 người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Cụ thể có 11/14 đơn vị khai thác than hầm lò có số lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động lớn hơn 100 người/năm như: Núi Béo (245 người), Quang Hanh (223), Khe Chàm (221), Thống Nhất (192), Hạ Long (179), Nam Mẫu (174), Mông Dương (173). 

Hội nghị người lao động của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức sáng ngày 28.6. Ảnh: Đình Trường.

Theo đại diện Công ty than Quang Hanh, có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên bởi do đo đặc thù nghề nghiệp. Nghề khai thác mỏ hầm lò là nghề có điều kiện và môi trường làm việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại nên nhiều người lao động không chịu được gian khổ, không thích nghi với nghề mỏ.

Đặc biệt sự thay đổi của cơ chế hiện nay, người lao động có nhiều sự lựa chọn phù hợp cho bản thân. Nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp đang có nhiều chế độ thu hút lao động hấp dẫn về tiền lương, về thu nhập và điều kiện làm việc.

Đồng thời, mặc dù Tập đoàn đã chỉ đạo đầu tư các thiết bị hiện đại áp dụng cho sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên tình trạng tai nạn lao động xảy ra hàng năm vẫn còn nhiều, số bị tai nạn lao động sau điều trị không muốn quay trở lại làm việc.

Tỉ lệ lao động thợ mỏ hầm lò bỏ việc trong năm 2022 vẫn còn cao (trên 70%). Ảnh: Vinacomin.

Trong khi đó TKV cho biết, doanh thu năm 2022 toàn Tập đoàn đạt 170.700 tỉ đồng, đạt 130% kế hoạch và bằng 123% so với thực hiện năm 2021; số lượng người lao động gần 94.000 người. 

Trong năm 2023, đơn vị này cho hay sẽ kiên trì thực hiện các giải pháp về thu nhập và sự thăng tiến nhằm giữ chân, thu hút lao động; rà soát, điều chỉnh chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

TKV cũng sẽ phối hợp xây dựng đề án nâng cấp nhà ở tập thể công nhân, trước mắt triển khai đối với các đơn vị địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng, triển khai phát triển nhà lưu trú công nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn