MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nữ cán bộ công đoàn chia sẻ về những áp lực trong công việc và cuộc sống gia đình. Ảnh: TN

Tích cực tìm giải pháp giảm bớt áp lực đối với lao động nữ

TIẾN NGUYỄN LDO | 09/03/2018 07:00

Vai trò lao động nữ trong các doanh nghiệp FDI là chủ đề buổi tọa đàm diễn ra ngày 7.3 do CĐ Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng tổ chức. Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn công tác của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại đơn vị cũng như thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Nữ cán bộ CĐ gặp nhiều áp lực

Theo bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch CĐ KKT Hải Phòng - những người làm công tác CĐ, đặc biệt là nữ cán bộ CĐCS thường chịu rất nhiều áp lực trong thực tế công tác. Điển hình là vấn đề ngoại ngữ. Để những người sử dụng lao động hiểu được văn hóa, pháp luật Việt Nam thì trước hết người cán bộ CĐ phải là cầu nối trong giao tiếp giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Bên cạnh đó, giỏi ngoại ngữ, hiểu được các từ chuyên ngành thì mới giải thích, tư vấn, tham mưu cho chủ DN có những quyết sách phù hợp, hiệu quả, đồng thời bảo vệ được quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Thêm một áp lực đối với nữ cán bộ CĐCS đó là hiểu biết về kiến thức pháp luật. Nhiều cán bộ CĐCS và NLĐ không nắm vững được quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến Luật Lao động, Luật ATLĐ, Luật BHXH, BHYT, BHTN… nên thường chịu thiệt thòi khi xảy ra các tranh chấp về lao động. Những lúc đó, cán bộ CĐ phải biết học hỏi, tìm tòi những kiến thức pháp luật liên quan mới có thể là chỗ dựa tin cậy của NLĐ.

Đồng tình với bà Phạm Thị Hằng, chị Vương Thu Hiền (phòng nhân sự Cty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, KCN Vsip Hải Phòng) cho biết, ngoài những vấn đề trên thì những nữ CNLĐ làm việc tại các DN FDI thường chịu áp lực về thời gian rất lớn. Nhiều hôm đi làm về đồng hồ đã điểm 21h và đến lúc đó mới bắt đầu các hoạt động chăm lo cho gia đình, khi xong cũng quá nửa đêm. Đến sáng hôm sau lại phải dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, đưa con đi học rồi mới đến Cty làm việc. Việc đó diễn ra thường ngày nên áp lực thời gian là rất lớn. Chính vì vậy nữ CNLĐ phải sắp xếp công việc một cách hợp lý sao cho vừa hoàn thành công việc Cty, lại vừa hoàn thành công việc gia đình.

“Tại Cty TNHH Regina Miracle International Việt Nam, khi các công nhân nữ nghỉ việc, chúng tôi đều phải phỏng vấn để tìm ra nguyên nhân thì kết quả có đến trên 60% số nữ công nhân cho rằng áp lực gia đình như không sắp xếp được người nuôi con, trông con, chồng không cho đi làm, bố mẹ ốm… là nguyên nhân chính dẫn tới nữ công nhân nghỉ việc. Số còn lại khoảng 10% là nghỉ việc để đi học thêm, 20% là do áp lực công việc” - chị Hiền cho biết.

Nhiều chính sách khuyến khích nữ lao động

Sau khi chỉ ra những áp lực thường gặp phải của các lao động nữ, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách giảm bớt áp lực đối với NLĐ. Chị Vương Thu Hiền (phòng nhân sự Cty TNHH Regina Miracle International Việt Nam) cho biết: Cty đã áp dụng rất nhiều chính sách để khuyến khích NLĐ như thưởng năng suất, tổ chức hoạt động đánh giá nâng bậc lương cho CNLĐ, hằng tháng tổ chức thưởng cho công nhân xuất sắc, chính sách đối với nữ nghỉ thai sản, nữ lao động mang thai… Riêng thưởng năng suất hằng tháng, nhiều lao động có thể đạt từ 3-4 triệu đồng, do vậy luôn kích thích NLĐ cống hiến hết mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và làm tròn nghĩa vụ, thiên chức đối với gia đình. Theo bà Bùi Thị Ngọc Điệp - Trưởng ban Nữ công, Cty TNHH công nghệ máy văn phòng Kyocera - muốn cân bằng công việc và gia đình trước tiên NLĐ phải biết chăm sóc chính bản thân. Sức khỏe có tốt, tâm lý có tốt mới có thể hoàn thành công việc. Bên cạnh đó, phải biết hài hòa với đồng nghiệp, bạn bè xung quanh. Chính vì thế, Cty cần phải có chế độ ưu đãi đối với NLĐ như khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc bữa ăn cho NLĐ đủ tiêu chuẩn về dinh dưỡng.

Chị Lưu Thị Minh Thu - Giám đốc hành chính nhân sự, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra CĐ Cty TNHH LG Electronics Việt Nam - cho biết, muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ trước tiên phải hiểu rõ hoàn cảnh thực tế của NLĐ. Đối với Cty TNHH LG Electronics Việt Nam, bao giờ lãnh đạo Cty cũng phải đến tận nơi làm việc, sinh hoạt của NLĐ, hỏi han tình hình, tổng kết những phát sinh, đưa những khó khăn, vất vả, những điểm chưa thỏa đáng lên lãnh đạo cấp trên sao cho kịp thời nhất. Bên cạnh đó, Cty có chính sách hỗ trợ lao động nữ thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất như thường xuyên thăm hỏi, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, thai sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn