MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CNLĐ KCN Thăng Long (Hà Nội) được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: Kiều Vũ

Tích luỹ thấp, người lao động gặp khó khăn khi rời khu công nghiệp

Linh Nguyên LDO | 12/12/2021 09:39

Với mức tiết kiệm hiện có, tỉ lệ công nhân lao động (CNLĐ) đánh giá về khả năng có được một cuộc sống phù hợp sau khi rời khu vực công nghiệp là rất thấp, chỉ 5,7% có khả năng và 0,2% rất có khả năng. Hầu hết CNLĐ đều cho rằng, khoản tiền tiết kiệm hiện tại không có khả năng mang lại cho họ một cuộc sống tốt sau khi rời khu công nghiệp...

Đây là kết quả nghiên cứu của Dự án Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân (ECOW) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.

Gần như không còn tích luỹ sau khi rời công việc

Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ là công nhân một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Ngãi. Tháng 3.2020, công ty giảm bớt nhân sự, chị Thuỷ nghỉ việc sau hơn 7 năm làm công nhân. Năm đầu đi làm, thu nhập 1 tháng của chị là 1,9 triệu đồng. Những năm sau thu nhập tăng dần lên. Thời điểm trước khi rời công ty, thu nhập của chị Thủy khoảng 5,1 triệu đồng/tháng. Quê ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nên vợ chồng chị Thuỷ thuê nhà trọ sát nơi làm việc. Trước khi về quê làm tại Khu công nghiệp Tịnh Phong, chị Thuỷ có nhiều năm làm công nhân may tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống ở thành phố lớn với nhiều chi phí đắt đỏ, lương làm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, gần như không tiết kiệm được khoản nào. Vì vậy, chị quyết định về làm công nhân ngay tại quê nhà.

Quá trình làm việc ở Khu công nghiệp Tịnh Phong, chị Thuỷ đã tiết kiệm được một số tiền nhất định do giảm được khá nhiều chi phí từ tiền thuê trọ, giá cả sinh hoạt, dù lúc đó chồng chị không có việc, cuộc sống 2 vợ chồng và 1 đứa con gói gọn trong thu nhập của chị. Hiện, chị Thuỷ đang ở nhà chăm con và chữa bệnh, chồng chị ra Dung Quất làm với mức khoán 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, chị Thuỷ chia sẻ, giờ muốn xây 1 ngôi nhà 3 gian theo truyền thống (tức là kiểu nhà đơn giản nhất) cũng rất khó, không biết bao giờ mới thực hiện được vì số tiền tiết kiệm được trong hơn 7 năm làm công nhân ở quê đã tiêu hết. Chị Thuỷ là một trong số rất nhiều CNLĐ gần như không còn tích luỹ sau khi rời công việc ở  khu công nghiệp. 

Nhiều CNLĐ chỉ tiết kiệm được 200.000 đồng/tháng

Theo kết quả nghiên cứu của ECOW, với việc phỏng vấn trực tiếp trên 3.000 CNLĐ ngành may và điện tử thuộc 9 khu công nghiệp trên toàn quốc cho thấy chi tiêu hằng tháng của CNLĐ gồm tiền nhà chiếm hơn 10%, tiền ăn uống chiếm khoảng 50%, còn lại là tiền gửi về quê cho gia đình, tiền tiết kiệm và tiền tiêu vặt. 

Tính ở tháng gần nhất tại thời điểm khảo sát, xét ở giá trị trung bình cho thấy, khoảng 27,71% thu nhập được chi cho lương thực, thực phẩm. Trong khi mức tiền gửi về nhà chiếm 20,75%. CNLĐ cũng dành ra 13,52% tiền lương tháng để tiết kiệm cho bản thân, tức là thấp hơn số họ gửi về nhà và 12,58% để chi cho việc thuê nhà.

Đa số CNLĐ gửi tiền về nhà là những người chưa lập gia đình hoặc đã lập gia đình, có con nhưng con cái (1 hoặc tất cả) đang sống ở quê với người nhà. Thậm chí, ngay cả với những CNLĐ đã có gia đình, đã có con và con đang sống chung với họ thì việc gửi tiền về nhà hằng tháng vẫn diễn ra nhằm hỗ trợ cho người thân ở quê, chủ yếu là bố mẹ.

Ở tháng gần nhất của nghiên cứu, có CNLĐ không tiết kiệm được một đồng nào nhưng cũng có người tiết kiệm lên tới 5 triệu đồng. Khá nhiều CNLĐ chỉ tiết kiệm được 200.000 đồng. Tuy nhiên, tính trung bình thì mức tiền tiết kiệm của CNLĐ là 2,119 triệu đồng, trong khi có ½ số CNLĐ có mức tiết kiệm từ 2 triệu đồng trở xuống. Một điểm rất cần lưu ý là số tiền tiết kiệm được của CNLĐ ở miền Nam thấp còn do thu nhập của họ sụt giảm nghiêm trọng do nghiên cứu được tiến hành ngay sau thời gian giãn cách xã hội.

Những kết quả này cho thấy một CNLĐ có thể trụ được bao nhiêu lâu tại khu công nghiệp nếu họ mất việc hay mất thu nhập, như đã xảy ra tại miền Nam vừa qua. Khả năng tiết kiệm thấp này cũng cho thấy rõ thêm vấn đề đã được Tổng LĐLĐVN đề cập từ lâu (và nhiều lần) trong các nghiên cứu về mức lương không đủ sống và cần phải nâng mức lương lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn