MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Lô Văn Tuấn - công nhân ở cụm Khu công nghiệp Phú Minh phải nghỉ việc 2 tuần, chỉ đi làm 1 tuần. Ảnh: Hạnh Phương.

"Tiền cạn, việc làm bấp bênh, mong đợi gì dịp Tết?"

HẠNH PHƯƠNG LDO | 01/12/2021 17:15

HÀ NỘI - Cảm giác duy nhất của anh Lô Văn Tuấn - Công nhân tại cụm công nghiệp Phú Minh (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong khoảng thời gian này là... sốt ruột. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến công việc của anh bị cắt giảm "làm 2 tuần nghỉ 1 tuần". 

Anh Tuấn và vợ cùng là công nhân quê ở Nghệ An. Trước đây, anh làm công nhân ở Quảng Ninh còn vợ làm công nhân ở Bắc Ninh. Hai người đã trải qua quãng thời gian yêu xa rồi mới tiến đến hôn nhân.

Cách đây 2 năm, để vợ chồng không phải mỗi người một nơi, anh Tuấn và vợ được người quen giới thiệu xin làm công nhân ở cụm công nghiệp Phú Minh. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nam công nhân sinh năm 1994 được đi làm từ 25 đến 26 ngày/tháng, thu nhập 7-8 triệu đồng. 3 tháng trở lại gần đây, nhiều nhất anh Tuấn chỉ được đi làm khoảng 15 ngày, hiện tại, anh kiếm được khoảng 5 triệu đồng/ tháng.

Thu nhập trung bình của vợ chồng anh Tuấn mỗi tháng trên 10 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt, tiền thuê trọ, anh Tuấn chẳng tích cóp được bao nhiêu. Thi thoảng, anh phải gửi về biếu bố mẹ đôi bên một khoản tiền nhỏ.

Quanh quẩn trong căn phòng nhỏ rộng chừng 15 mét vuông, anh Tuấn đang chuẩn bị bữa cơm tối chờ vợ về ăn. Anh bảo: “Trước đây, tôi chỉ mong có thời gian nghỉ ngơi vì đi làm suốt, nay được nghỉ nhiều quá, tôi rất sốt ruột".

Khi được hỏi về việc xin chuyển công ty khác, anh Tuấn lắc đầu gạt đi. Bởi, anh nghĩ xin được việc những ngày cận Tết sẽ rất khó khăn, chưa kể, anh còn mong chờ vào khoản thưởng Tết sắp tới. Theo anh Tuấn, những năm không có dịch bệnh, anh được thưởng 1,8 triệu đồng.  Sau mỗi năm số tiền thưởng Tết được tăng thêm 200.000 đồng. 

Làm khác công ty, ca làm của vợ anh Tuấn bắt đầu từ 7 giờ đến 19 giờ, có khi phải tăng ca đến 22 giờ. Vì vậy, vợ chồng anh không thể làm thêm việc gì khác. Đôi vợ chồng trẻ này cũng chưa có con nhỏ.

Chia sẻ về anh em công nhân trong xóm trọ, anh Tuấn cho biết, vợ chồng anh chưa có con sẽ phần nào đỡ khó khăn hơn. Nhiều công nhân ở đây có con nhỏ nhưng đi cả năm không được gặp mặt con, con nhớ bố mẹ mà không được gặp.

Tết đến, công nhân chỉ mong có gói bánh hay bộ quần áo mới cho con. Còn vợ chồng anh Tuấn chỉ mong có chút tiền thưởng để về đoàn tụ với gia đình.

Cạnh phòng trọ của anh Tuấn, chị Hà Thị Lan (sinh năm 1993) thấp thỏm không yên vì vừa nhận được thông báo giãn việc từ công ty. 2 tuần nay, chị Lan phải nghỉ liên tục ở phòng trọ vì công ty cắt giảm việc. Nhận được thông tin, chị Lan buồn rầu vì phải nghỉ thêm 1 tuần nữa.

Chị Lan làm công nhân tại đây đã được hơn 3 năm. Không được đến công ty làm việc, hằng ngày chị Lan chỉ quanh quẩn việc cơm nước, dọn dẹp phòng trọ rồi lướt web.

Tiền thuê trọ cộng thêm chi phí sinh hoạt mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, số tiền này, nữ công nhân phải chắt bóp chi tiêu. Bị giãn việc, thu nhập của chị Lan giảm sút nghiêm trọng. Tháng trước chị chỉ nhận được 3,5 triệu đồng tiền lương.

Vậy nên mỗi khi có tin nhắn của tổ trưởng, chị Lan thót tim: "Tôi chỉ mong công ty gọi đi làm. Lần nào công ty yêu cầu công nhân tạm ngưng việc, cả ngày hôm đó tôi chán không muốn làm gì".

Công ty của chị Lan có khoảng hơn 200 công nhân lao động, đợt dịch thứ 4 khiến hàng hoá tồn đọng, nhóm công nhân như chị Lan cũng bị ảnh hưởng theo.

Được biết, chị Lan và chồng đã ly hôn. Chị có một bé gái gửi ông bà ngoại trông nom ở quê. Mỗi tháng chị gửi về quê 2 triệu đồng để ông bà chăm con giúp. Với mức lương ít ỏi trong suốt gần 3 tháng bị cắt giờ làm, đã có ngày chị Lan phải úp tạm gói mì tôm để tiết kiệm tiền gửi về cho con gái. 

Ngồi nhẩm tính những khoản cần chi tiêu cho ngày Tết, đôi mắt chị Lan nặng trĩu: "Tết gần đến, tiền không có, việc làm cũng không, tôi mong đợi Tết làm gì".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn