MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh Anh Thư

Tiền đã cạn, lao động tự do mong sớm trở lại làm việc

ANH THƯ LDO | 08/09/2021 14:15
Tiền tích lũy không có nhiều, những người lao động tự do đã bị chao đảo trước làn sóng của dịch COVID-19 tác động.

Ăn mì tôm qua ngày

6 năm bươn chải tại thủ đô, có những lúc việc nhiều, tất bật cả một ngày, anh Hà Quốc Hưng (27 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ) mong có một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. Thế nhưng, giờ nằm dài mỗi ngày tại phòng trọ, anh lại khao khát được bận rộn như trước đây.

Làm thợ sơn tự do tại Hà Nội, ít thì mỗi tháng cho thu nhập được 12 triệu, tháng nào đỉnh điểm việc nhiều thì lên đến 17 triệu đồng. Thu nhập tương đối khá, song anh Hưng phải gửi gần hết tiền về cho gia đình trang trải cuộc sống, khoản nợ ở quê. Cho nên, tích luỹ cho mình cũng không có nhiều.

Dịch COVID-19 ập đến, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Từ lúc này, anh Hưng cũng không thể làm việc được nữa. “Tiền của tôi đã cạn, đôi khi đi vay cũng khó. Tôi đã phải ăn mì tôm nhiều ngày nay”- anh Hưng chia sẻ.

Cũng được địa phương hỗ trợ cho gạo, rau, mì tôm, song thời gian thực hiện giãn cách kéo dài thì những lương thực được hỗ trợ cũng không thấm vào đâu.

Anh Hưng mong muốn dịch sớm được đẩy lùi để quay trở lại với công việc, có thu nhập trang trải cuộc sống.

Những ngày qua, gia đình chị Phạm Mỹ Duyên (thuê trọ tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm) cũng phải chi tiêu thật tiết kiệm. Chồng chị làm xe ôm kiếm được 5-6 triệu đồng/tháng, giờ giãn cách cả hai vợ chồng đều ở nhà. Chị Duyên chăm con nhỏ không đi làm được, từng ấy lương của chồng chị cũng chi tiêu hết sạch mỗi tháng, không có tiền dư dả.

Gia đình chị cũng mong sao sớm quay trở lại công việc khi dịch được kiểm soát. Kéo dài mãi như thế này không biết gia đình chị Duyên có trụ được lâu nữa không.

Anh Hưng, gia đình chị Duyên là những trường hợp trong hơn 5 triệu lao động tự do từ các tỉnh, thành trên cả nước bị mất việc, ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cục Việc làm thông tin, tháng 7.2021 với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh phía nam, thành phố Hà Nội và một số địa điểm ở các tỉnh, thành phố khác, làm cho lực lượng lao động giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước ước hơn 1 triệu lao động.

Trong quý II.2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc.

Chính sách hỗ trợ

Lao động tự do là đối tượng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch bệnh. Họ cần được hỗ trợ kịp thời. Thực tế, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã có quy định chính sách hỗ trợ lao động tự do và cho các địa phương dựa theo tình hình thực tế để ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của người lao động tự do được hỗ trợ nhưng cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau hoặc vẫn còn nhiều người lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ.

Trong thực tế triển khai, đối với nhóm đối tượng lao động tự do di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc, các quy định thực hiện hỗ trợ đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục xác nhận.

Để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa địa phương có lao động đi và địa phương có lao động đến, các chuyên gia cho rằng ngân sách Nhà nước cần chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 40% chi hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do và đặc thù đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách (60% còn lại là do địa phương thu xếp).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn