MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân hướng dẫn con học online trong căn phòng trọ thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Tiền dành dụm ít ỏi, gia đình công nhân không dám “mơ” mua nhà

Quế Chi LDO | 05/04/2022 07:47
Với thu nhập thấp, trong khi rất nhiều khoản phải trang trải hằng ngày, nhiều gia đình công nhân dù cố gắng tiết kiệm cũng chỉ có thể để ra được nhiều lắm là 1-3 triệu đồng/tháng. Với số tiền ít ỏi này, họ không dám nghĩ đến việc mua, xây nhà mới cho gia đình.

Sợ nhất là bệnh tật  

Chị Lương Thị Nhộ làm công nhân tại một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc giang đã 7 năm nay. Dù đã có thời gian làm việc khá lâu, nhưng lương cơ bản của nữ công nhân này chỉ ở mức 4.460.000 đồng/tháng. “Ngoài ra, các khoản phụ cấp được thêm 1 triệu đồng. Nếu muốn có thu nhập cao hơn, tôi buộc phải làm thêm. Nếu làm thêm ít, tổng thu nhập của tôi được hơn 7 triệu đồng/tháng; làm thêm nhiều được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng” - chị Nhộ nói.  

Làm thêm nhiều hay không tùy thuộc vào tình hình sản xuất, việc làm của công ty. Nếu công ty có nhiều việc, chị tăng ca cả tuần, kể cả chủ nhật; nếu công ty ít việc thì tăng ca khoảng 3-4 ngày/tuần.  

Chồng chị Nhộ làm lao động tự do, thu nhập không ổn định. Các khoản trang trải trong nhà phần lớn trông chờ vào thu nhập của chị. Sinh hoạt của gia đình chiếm phần lớn các khoản chi tiêu của gia đình. Chị Nhộ bảo, mỗi tháng, nếu chi tiêu tiết kiệm, chị dành dụm được khoảng 2-3 triệu đồng.  

Vợ chồng trẻ này đang ở nhà cùng với bố mẹ, không phải thuê trọ; con mới 5 tuổi, được ông bà trông giúp nên đỡ rất nhiều chi phí. Mỗi ngày, chị Nhộ phải đi xe máy hơn 20km để đi làm, khá tốn kém tiền xăng, nhất là khi giá xăng tăng cao như hiện nay. “Từ khi lập gia đình đến bây giờ, vợ chồng tôi mới để ra được khoảng 50-60 triệu đồng. Số tiền  này không đủ để mua đất hay xây nhà nên tôi cứ để đấy, phòng khi “trái gió trở giời” - chị Nhộ chia sẻ. Nữ công nhân này cho rằng, vợ chồng mình vẫn còn may vì không phải thuê nhà, thuê người trông con. Những cặp vợ chồng khác phải tốn thêm khoản tiền lớn cho 2 khoản này, chắc chắn sẽ không dành dụm được đồng nào, may mắn chỉ đủ trang trải.  

Tổng thu nhập 12 triệu đồng, chi tiêu hết 10 triệu đồng 

Vợ chồng anh Lê Xuân Hải thuê trọ tại Chung cư CT1A (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Anh Hải làm nhân viên, còn vợ làm công nhân một công ty trong khu công nghiệp Thăng Long. Hỏi về thu nhập, anh Hải cho hay, mỗi tháng vợ chồng anh được khoảng 12 triệu đồng. “Tôi là nhân viên, khác với vợ làm công nhân là không phải đi làm ca đêm thôi, còn thu nhập thì tương đương” - anh Hải nói.  

Cả 2 vợ chồng mới chuyển sang công việc mới, nên lương cơ bản khá thấp, ở mức 4,7-4,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo tính toán của anh, tổng chi phí của gia đình trong một tháng là khoảng 10 triệu đồng.  

“Riêng tiền thuê nhà, điện nước đã hơn 2 triệu đồng/tháng; ngoài ra, còn tiền sinh hoạt, tiền cho con ăn học. Mỗi tháng, chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng tôi dành dụm khoảng 2-3 triệu đồng. Tuy vậy, cũng có tháng không dành dụm được đồng nào, thậm chí còn “âm” nếu có việc đột xuất. Vừa qua, khi bị mắc COVID-19, thu nhập giảm, anh Hải phải tiêu “lạm” vào khoản tiền tiết kiệm.  

“Tính ra, suốt nhiều năm đi làm xa nhà, vợ chồng tôi chỉ dành dụm được khoản tiền khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này tuy rất lớn đối với tôi, nhưng tính đi tính lại thì chưa thể dùng để làm việc gì. Tôi không thể mua nhà với số tiền này, nên đành cứ để đấy, đề phòng lúc ốm đau. Tôi hy vọng sẽ có dành dụm được thêm, nhưng thực tế là rất khó” - anh Hải chia sẻ.  

Khi được hỏi anh có lo lắng không nếu chẳng may trong nhà có người bị bệnh, anh Hải bảo, cả nhà anh đã đóng bảo hiểm y tế nên hy vọng sẽ đỡ chi phí nếu một ai đó chẳng may bị bệnh. “Còn với những bệnh nặng thì mình không nói trước điều gì. Những người có tiền thì họ mới chuẩn bị được; còn mình không có tiền thì đến đâu hay đến đó, không lo trước được. Chỉ mong cả nhà mạnh khoẻ, không ai bệnh tật, yên ổn làm ăn” - anh Hải nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn