MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền lương eo hẹp, công nhân phân bổ chi tiêu ra sao?

Minh Phương LDO | 15/11/2020 19:56

Nếu không tăng ca, lương của công nhân dao động ở mức 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền lương eo hẹp như vậy, nhiều công nhân phải chắt bóp chi tiêu thì mới có khoản tiền để tiết kiệm và đủ để trang trải cuộc sống.

Liệt kê các khoản chi tiêu hàng tháng

Khi còn độc thân, chị Bùi Thị Như Quỳnh làm ở Công ty TNHH Canon (Đông Anh, Hà Nội), mỗi ngày đi làm 8 tiếng theo giờ hành chính (không tăng ca), lương khoảng 5 - 5,3 triệu đồng/tháng. Do được công ty hỗ trợ nhà ở ký túc xá cho công nhân nên một tháng chị Quỳnh chỉ mất khoảng 50.000 đồng phí sinh hoạt ở ký túc.

Còn tháng nào làm ca kíp, thu nhập có thể lên đến 8 triệu đồng/tháng. Khi công nhân tăng ca sẽ được cty hỗ trợ 2 bữa, nếu không chỉ được hỗ trợ 1 bữa ăn. Do đó, mỗi khi tăng ca, chị Quỳnh có thể tiết kiệm được thêm khoản chi phí ăn uống.

Như vậy, thu nhập một công nhân độc thân chỉ làm theo giờ hành chính, nếu trừ các khoản bảo hiểm, phí sinh hoạt ký túc xá sẽ cầm về tay 5 triệu đồng.

"Số tiền lương này tôi sẽ chia ra phù hợp, trong đó có tiền ăn trong ngày, tiền tham gia liên hoan, trà đá, sinh nhật với bạn bè. Sau một tháng, tôi vẫn còn một khoản tiền để tiết kiệm và gửi về gia đình" - chị Quỳnh nói.

Còn hiện tại, chị Quỳnh đã lập gia đình và chuyển sang làm ở Công ty TNHH Ikeuchi (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội). Hai vợ chồng đều là công nhân, tổng thu nhập của 2 người khoảng 10 - 13 triệu đồng/ tháng.

Mỗi tháng, với số lương công nhân hạn hẹp, chị Quỳnh đều lên kế hoạch chi tiêu cụ thể. Ảnh: M.Phương

Với số tiền đó, chị Quỳnh phân bổ các khoản tiền chi tiêu rõ ràng. Chẳng hạn, tiền phòng trọ 600.000 đồng; điện, nước 400.000 đồng; chi phí ăn uống cho 2 vợ chồng vợ và một người con nhỏ trong 1 tháng khoảng 3,5 triệu đồng; gas và các nguyên liệu khác 300.000 đồng; sữa và bỉm cho con hết 2,5 triệu đồng; xăng xe 300.000 đồng. Chưa kể phải chi đến các khoản tiêm chủng, thuốc men, học phí, đồng phục, cặp sách cho con,...

"Nhiều khi cầm lương trên tay chưa kịp tiêu đã thiếu. Biết khó khăn nhưng vẫn cố vì hi vọng cuối năm cty thưởng nhiều một chút để chúng tôi bớt vất vả. Bây giờ mà nghỉ làm công ty, tôi cũng không biết làm gì cả" - chị Quỳnh nói.

Hàng tháng, chị Quỳnh đều liệt kê chi tiết những khoản phải chi. "Nếu liên tục thực hiện liệt kê, tôi mới có cơ sở để so sánh các khoản đã tiêu giữa các tháng với nhau. Từ đó mới biết được tháng nào phải chi tiêu nhiều, tháng sau đó tôi phải cố gắng "dè sẻn" thì mới có được tiền tiết kiệm cho gia đình" - chị Quỳnh bày tỏ.

Có kế hoạch tiết kiệm

Với tiền lương nhận được eo hẹp trong khi trăm thứ phải chi. Tuy vậy, nhiều công nhân vẫn có kế hoạch chi tiêu để có khoản tiền tiết kiệm sau này.

Như trường hợp của chị Quỳnh, chị và chồng hạn chế tham gia các buổi tụ tập, một tháng chỉ đi ăn ngoài quán một lần. Nếu không có việc gấp thì anh chị cũng sẽ không về để tiết kiệm chi phí di chuyển.

Theo chị Quỳnh, có kế hoạch tiết kiệm mới có khoản tiền để dành cho gia đình. Ảnh: M.Phương

Ngoài ra, tháng nào dư được khoản tiền trong mức lương nhận được, chị Quỳnh sẽ gửi về quê cho mẹ để đầu tư mua gà con, lợn giống để mẹ nuôi. Khi nào xuất chuồng được, chị sẽ nhờ mẹ thịt rồi gửi lên Hà Nội bán. "Với việc làm này, hi vọng cuối năm gia đình tôi có một khoản nhỏ cho gia đình ăn tết" - chị Quỳnh cho hay.

Không ngoại lệ, chị Nguyễn Thị Hà - công nhân Công ty TNHH Toho Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội), quê Yên Bái, chị Hà chưa lập gia đình, lương một tháng khoảng 7 triệu mỗi tháng.

Số tiền này ở quê có thể lớn nhưng ở thành phố cũng chẳng đáng kể vì có rất nhiều khoản phải chi tiêu đến. Theo chị Hà, nếu không có kế hoạch chi tiêu cụ thể, sẽ chẳng có tiền dư cho mình và gia đình. Do vậy, chị Hà luôn tâm niệm phải thực hiện đúng với kế hoạch đặt ra, chi tiêu một cách khoa học, hợp lý.

"Tôi chỉ mua những món đồ thực sự cần thiết, có những món đồ tối rất thích nhưng trong tủ đồ đã có kiểu dáng tương tự, tôi sẽ kìm lòng và không mua nữa" - chị Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, tháng nào được nghỉ 2 ngày, chị Hà cũng sẽ tranh thủ về quê để mang gạo, dầu, muối, nước mắm, thức ăn, rau củ từ quê lên phòng trọ. Và sau khi nhận lương, chị Hà sẽ lập tức chuyển khoản ngay 2 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm online để tránh tiêu lạm vào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn