MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoảng 6h30 sáng mỗi ngày, công nhân khu công nhân Mỹ Phước 1 mua đồ rồi ngồi trên vỉa hè ăn sáng trước khi vào làm việc.Ảnh: ĐÌNH TRỌNG

Tiền lương không đủ sống gây ra nhiều hệ lụy cho công nhân

QUẾ CHI LDO | 05/04/2019 09:09

Vừa qua, Viện Công nhân và Công đoàn (CN - CĐ) và tổ chức Oxfam đã thực hiện một báo cáo chuyên sâu về cuộc sống của CN may ở Việt Nam mang tên “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy”. Báo cáo này đã chỉ ra CN may đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, để lại hệ lụy lớn đến cuộc sống của họ.

CN vật lộn để nuôi sống bản thân

Hầu hết CN được phỏng vấn cho báo cáo này đều có mức lương dưới mức lương đủ sống; và đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, và không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái.

“Các CN kể những câu chuyện về việc phải ở lại nhà máy làm việc muộn cho đến khi mệt lả và gần như kiệt sức sau một ngày làm việc. Họ nói về việc phải vội vàng đi vệ sinh để quay về nơi làm việc và không sử dụng giờ nghỉ giải lao để tranh thủ làm, vậy mà họ vẫn không hoàn thành định mức mỗi ngày. Họ không có thời gian chăm sóc con cái, hay về thăm cha mẹ ở quê và không có thời gian dành cho giao lưu với bạn bè. Những thông tin chúng tôi thu được là không thể phủ nhận: CN may Việt Nam đang không đủ sống với tiền lương họ nhận được” - TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện CN-CĐ, Trưởng nhóm nghiên cứu - chia sẻ.

Mức lương tối thiểu theo quy định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức lương một người cần để trang trải các chi phí cần thiết như thực phẩm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Nhưng ngay cả khi mức lương mà hầu hết CN may kiếm được cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia, thì cũng chưa bằng mức lương được coi là lương đủ sống.

Mức lương tối thiểu trung bình quốc gia tại Việt Nam là 3,34 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 37% mức lương của Sàn lương Châu Á và 64% mức lương của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu tính cho Việt Nam.

Chính vì vậy, CN đã phải chấp nhận làm thêm để có thêm thu nhập. Theo nghiên cứu trên, CN làm thêm phổ biến ít nhất một giờ mỗi ngày. Tiền làm thêm giờ chiếm khoảng 11-16% thu nhập của họ. Đây là ước tính thấp nhất về số giờ làm thêm và tiền làm thêm của CN may.

Trong một nghiên cứu khác của Tổng LĐLĐVN năm 2018, làm thêm giờ trong ngành may mặc chiếm 18,6% tổng thu nhập của CN. Tiền lương nói trên là chưa nói tới các khoản phụ cấp như phụ cấp thâm niên, đào tạo, công việc nặng nhọc độc hại, hỗ trợ đi lại, nhà ở, thưởng chuyên cần, năng suất và hỗ trợ kinh nguyệt. Các loại và mức phụ cấp cũng khác nhau ở các Cty khác nhau. Do đó, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính thêm các khoản phụ cấp khác, lương CN sẽ không đủ sống ở mức cơ bản nhất.

CN phải hy sinh mọi nhu cầu

Vẫn theo báo cáo, vì lương không đủ sống, nhiều CN bày tỏ họ cảm thấy tự ti trong cuộc sống, và họ cho biết cuộc sống của họ chỉ bó hẹp trong công việc với mong đợi kiếm thêm thu nhập. Họ phải hy sinh mọi nhu cầu, mong muốn và ước mơ khác để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu hằng ngày như ăn uống, nhà ở, điện nước.

Nhiều CN có kế hoạch và ước mơ cho tương lai, nhưng không nhìn thấy công việc hiện tại có thể giúp họ đạt được ước mơ như thế nào. “Làm đâu tiêu đấy” là thực tiễn phổ biến đối với những NLĐ này. 69% số CN cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình và 31% cho biết, họ không tiết kiệm được gì từ tiền lương của họ ngoại trừ một khoản tiền từ BHXH nếu họ mất việc.

Đồng lương không đủ sống kéo theo nhiều vấn đề bủa vây. Tiền thuê nhà chưa trả hoặc trả một nửa, nợ một nửa. Ngay cả khi bị ốm, CN cũng không dám nghỉ ngơi. Họ cố gắng chi tiêu ở mức dè sẻn, tối thiểu. Khi ngã bệnh, họ chỉ có cách vay mượn để trang trải các chi phí điều trị. Họ mua và mặc loại quần áo rất rẻ và kém chất lượng. Họ không có tiền dư để phòng khi gia đình gặp khủng hoảng hoặc trong trường hợp khẩn cấp. CN cho biết, họ không mấy khi đi chơi hoặc chi tiêu cho các hoạt động vui chơi, giải trí. Họ thậm chí ít về thăm gia đình hoặc về quê thăm người thân vì các chi phí liên quan đến tàu xe, đi lại. CN buộc phải vay mượn từ bạn bè trong chuyền hay những CN khác ở cùng khu nhà trọ để mua xe đi làm, chi phí khám-chữa bệnh và thuốc men, trả chi phí học hành cho con cái.

37% số CN được phỏng vấn trong nghiên cứu cho biết, họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù lấp thiếu hụt chi tiêu trong tháng. Để khắc phục khó khăn về tài chính, CN nghĩ ra cách để có tiền trang trải cho các chi phí đột xuất bằng cách tham gia chơi hụi. Mặc dù chơi hụi không khiến CN nợ nần, nhưng điều này cho thấy sự mong manh về khả năng tài chính của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn