MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân vốn để cho doanh nghiệp có tiền trả lương cho người lao động theo Nghị quyết 68... Ảnh: TC

Tiếp cận gói hỗ trợ phục hồi sản xuất, doanh nghiệp Khánh Hòa gặp khó

Hữu Long LDO | 20/10/2021 14:27

Khánh Hòa có 9 doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Chính phủ. Tuy vậy, việc doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ còn nhiều khó khăn vì vướng một số quy định.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20.10, Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tiếp nhận thông tin của 1.786 doanh nghiệp với 26.585 lao động.

Trong đó, có 30 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng 21 doanh nghiệp không đủ điều kiện vay do nguyên nhân doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động, 9 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.

Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện giải ngân 9 doanh nghiệp với số tiền hơn 3 tỉ đồng để trả lương cho 833 lượt lao động. Trong đó, cho vay trả lương ngừng việc cho 7 doanh nghiệp, số tiền 2,5 tỉ đồng, với 690 lượt lao động; cho vay phục hồi sản xuất 2 doanh nghiệp, số tiền 553 triệu đồng, với 143 lượt lao động.

Theo Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, quá trình chi trả hiện gặp một số khó khăn. Cụ thể, quy mô doanh nghiệp quá nhỏ nên đa số không có nhu cầu vay, doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động nên không đủ điều kiện vay vốn; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp nên chưa quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang cho biết thêm, quá trình hoàn thiện hồ sơ để nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, nhiều doanh nghiệp đã làm hồ sơ gửi Ngân hàng Chính sách xã hội  tỉnh nhưng không được giải ngân, do không đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

“Vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là nợ thuế và nợ xấu tại ngân hàng. Hiện tại nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đều có chung những vướng mắc trên, nên đến nay vẫn chưa tiếp cận được chính sách để vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Phạm Minh Nhật chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn