MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Phạm Thị Oanh - đoàn viên CĐCS Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Khánh Hòa bên ngôi nhà đầu tiên của mình được xây dựng có kinh phí hỗ trợ của Công đoàn. Ảnh: Phương Linh

Tiếp lửa an cư cho đoàn viên xa xứ

Phương Linh LDO | 31/08/2023 12:30

Với mỗi đoàn viên, người lao động (NLĐ) lập nghiệp xa quê, làm sao để có ngôi nhà an cư luôn là mong muốn và mục tiêu phấn đấu quan trọng của cuộc đời. Chính sách hỗ trợ đoàn viên xây nhà mái ấm của Công đoàn Khánh Hòa những năm qua góp phần không nhỏ giúp hàng trăm đoàn viên xa quê hoàn thành mơ ước.

Lập nghiệp xa quê và… nỗi niềm ở trọ

Thạc sĩ Phạm Thị Oanh (38 tuổi, đoàn viên đến từ CĐCS Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Khánh Hòa) vừa dọn vào căn nhà đầu tiên của mình sau gần 10 năm ở trọ. Chị Oanh chia sẻ: “Tôi lấy chồng hơn 8 năm, tích cóp mãi nhưng 2 vợ chồng vẫn phải ở thuê. Từ quê miền Trung vào Khánh Hòa lập nghiệp, nỗi mong mỏi lớn nhất với nhiều lao động như tôi là làm sao có được ngôi nhà để an cư”.

Chắt chiu đến năm 2020, vợ chồng chị Oanh mua được miếng đất ở thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, nhưng nghĩ đến làm nhà thì vợ chồng chị Oanh lại không dám vì điều kiện thu nhập eo hẹp. Biết hoàn cảnh của vợ chồng chị Oanh, đầu năm 2023, LĐLĐ Khánh Hòa tổ chức khảo sát và chính thức hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà. “Nếu không có số tiền 50 triệu đồng của công đoàn là động lực thúc đẩy thì chắc vợ chồng tôi năm nay cũng không thể có được ngôi nhà cấp 4 ấm áp thế này. Dù còn nợ một phần nhưng vẫn thấy phấn khởi để nghĩ đến việc chạy chữa để có một đứa con” - Chị Oanh tâm sự.

Cũng như chị Oanh, chị Bùi Thị Hải Hà (40 tuổi, giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) - sau nhiều năm ở nhà công vụ cuối cùng cũng có ngôi nhà riêng nhờ động lực từ chương trình Mái ấm Công đoàn. Quê ở Quảng Bình, sau khi ra trường cô Hà xin về huyện miền núi Khánh Vĩnh công tác. Nhiều năm đi làm nhưng lương giáo viên không đủ để mua đất, xây nhà riêng ổn định cuộc sống. Theo cô Hà: “Tôi còn đỡ hơn nhiều đoàn viên khác là có nhà công vụ để ở. Sau này, từ nguồn hỗ trợ của công đoàn, tôi mạnh dạn vay mượn thêm để có ngôi nhà riêng an cư sau hơn 15 năm lập nghiệp”.

Hạnh phúc được đồng hành với đoàn viên

Ông Phạm Huy Trường - Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa - cho biết, đặc thù đoàn viên trong ngành có nhiều người ở xa đến đây lập nghiệp, nhiều người ở trọ cả chục năm. Qua khảo sát nắm tình hình từ cơ sở, công đoàn ngành tích cực trợ giúp về thủ tục để đoàn viên tiếp cận nhanh nhất chính sách hỗ trợ xây nhà mái ấm. “Chúng tôi chỉ thở phào khi bàn giao những ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn vữa cho đoàn viên. Đó là niềm hạnh phúc được đồng hành. Nhờ sự phối hợp vì đoàn viên mà mỗi năm công đoàn ngành có từ 3-6 đoàn viên được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà mái ấm” - ông Trường cho biết.

Theo bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch LĐLĐ Khánh Hòa - qua 16 năm triển khai chương trình Mái ấm Công đoàn Khánh Hòa đến nay đã có gần 530 đoàn viên khó khăn về nhà ở được hỗ trợ kinh phí xây mới và sửa chữa nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 16 tỉ đồng. Hiện nay Khánh Hòa có hơn 86.000 đoàn viên, qua khảo sát 92% đoàn viên, NLĐ làm việc tại các cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn là người địa phương và 8% còn lại là người ngoại tỉnh. Với 8% lao động ở xa đến lập nghiệp đều phải mất thời gian dài ở thuê trọ. Chính sách hỗ trợ nhà mái ấm của công đoàn đã tiếp cận và hỗ trợ được khá nhiều đoàn viên thuộc diện này.

“Cùng với nỗ lực chăm lo cho đoàn viên khó khăn, chúng tôi đang thúc đẩy các cấp công đoàn đưa chính sách hỗ trợ xây nhà mái ấm để tất cả mọi đoàn viên được tiếp cận. Hiện nay nhiều ý kiến về nâng mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng/nhà xây mới, mở rộng đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà mái ấm… cũng đang được công đoàn các cấp trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi phù hợp với thực tế” - bà Hương thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn