MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiếp nhận số Báo Lao Động ra dịp “Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất"

Việt Lâm - Tô Thế LDO | 27/04/2023 11:50

Sáng 27.4, tại trụ sở Báo Lao Động (số 6, Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội), đại diện gia đình ông Đào Hinh (tức Đặng Thiết Hán, nguyên cán bộ Tổng LĐLĐVN) đã bàn giao tới Ban Biên tập Báo Lao Động bản gốc số Báo Lao Động đặc biệt nhân dịp “Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất”, xuất bản vào năm 1950.

Tại buổi trao, ông Đào Đoàn Thế Hùng (sinh năm 1947, đại tá, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, con trai út của ông Đào Hinh) cho biết, ông Đào Hinh sinh năm 1894, quê ở làng Xuân Đỗ, phường Cự Khối, Long Biên, Hà Nội. Ông là trí thức yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, hoạt động ở cả hai miền đất nước trước năm 1945; từng bị giam tại Côn Đảo và được các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản bồi dưỡng, giác ngộ và trở thành người Cộng sản.

Năm 1945, ông Đào Hinh trực tiếp tham gia Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 20.6.1946, ông Đào Hinh tham dự Hội nghị cán bộ Công đoàn. Tại hội nghị đã quyết định đổi tên Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn. Tại hội nghị trên, ông Đào Hinh mang bí danh “Đặng Thiết Hán”.

Ngày 20.7.1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng LĐLĐVN chính thức ra mắt, ông Đào Hinh - tức Đặng Thiết Hán - được bầu vào Ban Thường vụ của Ban Chấp hành lâm thời Tổng LĐLĐVN, trực tiếp phụ trách công tác Tuyên huấn…

Tiếp đó, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I khai mạc vào sáng ngày 1.1.1950 và làm việc đến hết ngày 15.1.1950, tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Về dự Đại hội có trên 200 đại biểu thay mặt cho khoảng 350.000 công nhân, viên chức, lao động cả nước.

Để tuyên truyền sự kiện chính trị trọng đại của Công đoàn Việt Nam, vào thời điểm đó, Báo Lao Động đã phát hành số báo “Đặc san Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất” - ghép 12 số báo. 

“Là một trong những cán bộ Công đoàn tham gia tổ chức Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất nên năm 1950, cha tôi đã lưu giữ được số báo đặc biệt này; tới năm 1955, sau khi cha tôi qua đời, gia đình đã tiếp tục lưu giữ kỷ vật liên quan đến thời kỳ hoạt động cách mạng, hoạt động công đoàn của cha tôi cho đến nay” - ông Hùng cho hay.

Ông Đào Đoàn Thế Hùng - ghi giấy tặng số Báo Lao Động đặc biệt tới Ban Biên tập Báo Lao Động. Ảnh: Tô Thế 

Liên quan đến việc gia đình bàn giao số báo Lao Động “Đặc san Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất” tới Ban Biên tập Báo Lao Động, ông Đào Đoàn Thế Hùng cho biết: “Qua theo dõi thông tin trên Báo Lao Động, gia đình được biết, các cấp công đoàn đang tích cực tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đây là sự kiện quan trọng của tổ chức Công đoàn, do đó, chúng tôi đã bàn và thống nhất việc bàn giao Báo Lao Động số “Đặc san Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất” tới Ban Biên tập Báo Lao Động”. 

“Đây là sản phẩm được thực hiện từ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Lao Động thời kỳ cách mạng, được sản xuất trên Chiến khu Việt Bắc - do đó, tôi cho rằng số báo đặc biệt của Báo Lao Động phải được bàn giao cho thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên thời kỳ hiện nay, đây là điều cần thực hiện” - ông Đào Đoàn Thế Hùng khẳng định.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Phan Thu Thuỷ tặng gia đình ông Đào Thế Hùng bản sao của số báo đặc biệt. Ảnh: Tô Thế 

Tiếp nhận số báo đặc biệt, thay mặt Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Phan Thu Thuỷ đã gửi lời cảm ơn trân trọng tới nghĩa cử của gia đình ông Đào Hinh.

“Báo Lao Động số Đặc san Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ nhất rất có ý nghĩa đối với các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Lao Động, nhất là các phóng viên trẻ hiện nay. Bởi thông qua số Báo đặc biệt, họ có thể học hỏi được cách viết tin, bài của các cán bộ, phóng viên Báo Lao Động thời kỳ hoạt động cách mạng, còn nhiều khó khăn… để có những bài viết phản ánh được hơi thở cuộc sống, những vấn đề sát sườn của người lao động, cũng như hoạt động của các cấp công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Số báo đặc biệt sẽ được đặt ở vị trí trang trọng trong Phòng truyền thống của Báo Lao Động và được bảo quản cẩn thận, nhằm lưu giữ tới muôn đời sau” - bà Phan Thu Thuỷ bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn