MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Ong Thụy Hoàng Mai - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương trao quà hỗ trợ công nhân khó khăn trong Tháng Công nhân 2023. Ảnh: Hoàng Trung

Tiếp tục chăm lo cho công nhân khó khăn

Đình Trọng LDO | 17/06/2023 06:22
Ngày 16.6, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, Tháng Công nhân năm 2023, các cấp công đoàn trong tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, Tỉnh ủy Bình Dương, tập trung nhiều nguồn lực, tổ chức đa dạng các hoạt động thiết thực chăm lo cho người lao động khó khăn.

Dành nguồn kinh phí lớn hỗ trợ NLĐ khó khăn

Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ 127.381 người lao động thuộc các trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Các trường hợp khó khăn được hỗ trợ từ 500.000 đồng và nhu yếu phẩm. Những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động được hỗ trợ từ 2 đến 10 triệu đồng, tùy từng trường hợp. Tổng số tiền hỗ trợ người lao động trong Tháng Công nhân trên 35,2 tỉ đồng, chủ yếu trích từ kinh phí công đoàn, một phần vận động xã hội hóa.

Ngoài ra, công đoàn tỉnh Bình Dương cũng triển khai chi hỗ trợ cho trên 22.600 lao động bị giảm việc làm với tổng số tiền hỗ trợ là  34,5 tỉ đồng theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐVN.

Cũng trong tháng 5.2023, LĐLĐ tỉnh đã vận động hỗ trợ 5 Mái ấm Công đoàn cho 5 trường hợp khó khăn về nhà ở, với tổng trị giá 520,5 triệu đồng. Năm nay, LĐLĐ tỉnh cũng tổ chức để lãnh đạo tỉnh Bình Dương đi thăm và động viên hỗ trợ những trường hợp đoàn viên khó khăn ở 9 huyện, thị xã, thành phố. 

LĐLĐ tỉnh Bình Dương còn tổ chức các buổi tiếp xúc giữa công nhân lao động với lãnh đạo tỉnh, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND tỉnh. Qua các chương trình này, người lao động trực tiếp kiến nghị đề xuất với tỉnh tiếp tục xây dựng tốt hơn không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần, xây dựng các dự án nhà ở xã hội, quản lí tốt tình hình an ninh trật tự ở các nhà trọ, khu công nghiệp...

Lao động khó khăn dự báo tăng, công đoàn tiếp tục chăm lo

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Bình Dương có hơn 80.000 lao động mất việc, ngừng việc, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Các ngành ít bị biến động là ngành chế biến thủy, hải sản, sản xuất linh kiện điện tử và sản phẩm điện tử. Ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ có số lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng nhiều nhất. Dự kiến, đến cuối năm 2023, con số này sẽ còn tăng thêm 60.000 người.  Đồng nghĩa với việc thu nhập của nhóm lao động này sẽ giảm và sẽ gặp khó khăn trong đời sống.

Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhanh các thủ tục để giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; kết nối cung cầu lao động để điều tiết giữa nơi cần tuyển và nơi cắt giảm.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, khi doanh nghiệp khó khăn, tiền lương, phúc lợi cho người lao động giảm nên dễ dẫn đến tranh chấp, đình công trái pháp luật. “Sắp tới, Sở cùng Liên đoàn Lao động và các địa phương nắm tình hình để hạn chế thấp nhất các vấn đề tranh chấp trở thành điểm nóng. Tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Sẽ cố gắng nỗ lực, phối hợp với các ngành trong thời gian tới nhằm mục đích ổn định tình hình lao động” - ông Phạm Văn Tuyên cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn