MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đi chợ sau khi tan ca. Ảnh: Hải Nguyễn

Tìm cách nâng chất lượng bữa ăn ca cho người lao động

Hà Anh LDO | 11/03/2022 11:38
Hiện, giá cả các mặt hàng và giá xăng dầu tăng cao - ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Để đảm bảo sức khoẻ của người lao động, các cán bộ công đoàn cho rằng, doanh nghiệp, cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức công đoàn có hình thức hỗ trợ bữa ăn ca cho họ.

Trên 30.000 đồng/suất mới tạm đủ dinh dưỡng

Ông Luyện Phương Nam - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên - cho biết, hiện nay số người lao động tại các doanh nghiệp bị mắc COVID-19 tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp chỉ còn 50% lao động làm việc trực tiếp. Ngoài bị tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đến việc làm, người lao động tại các KCN tỉnh Hưng Yên còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống.

“Giá cả các mặt hàng tăng cao, giá xăng dầu cũng tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bữa ăn của người lao động. Hiện nay suất ăn ca trung bình tại các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên khoảng 25.000 đồng, chưa đảm bảo được dinh dưỡng cho người lao động. Theo tôi, ít nhất phải trên 30.000 đồng/suất mới gọi là tạm đủ. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp và CĐCS phải tăng giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn ca, giám sát quy trình chế biến thực phẩm… nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại” - ông Nam nêu ý kiến. 

Ông Đinh Quang Dương - Chủ tịch Công đoàn Công ty Yamaha Motor Việt Nam - cho biết, bếp ăn tại công ty hiện đang phục vụ gần 6.000 suất ăn/ngày với chi phí 30.000 đồng/suất - công ty trả tiền gas, điện, nước, không tính vào giá thành thực phẩm - nên chất lượng bữa ăn ca của người lao động vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng do xăng hoặc các mặt hàng khác tăng.

Theo ông Dương, để chất lượng bữa ăn ca của người lao động được đảm bảo, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp và tổ chức công đoàn thì các cơ quan chức năng cần có biện pháp ổn định giá cả, hàng hoá, nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nâng cao nhận thức cho NSDLĐ về chất lượng bữa ăn ca

Theo Tổng LĐLĐVN, vẫn còn 29,57% tổng số NLĐ chưa được hỗ trợ bữa ăn ca. Khu vực doanh nghiệp tư nhân có tỉ lệ hỗ trợ bữa ăn ca còn thấp (đạt 78,53%); chất lượng bữa ăn ca còn nhiều hạn chế, 6,45% doanh nghiệp thực hiện giá trị bữa ăn ca dưới 15.000 đồng/suất; số lượng bản thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có nội dung bữa ăn ca mới đạt 57,07% tổng số TƯLĐTT được ký kết...

Để đảm bảo tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25.2.2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 7C, trong đó, bổ sung một số giải pháp, điều chỉnh giá trị bữa ăn ca tối thiểu khi các cấp công đoàn đề xuất, đối thoại hoặc thương lượng tập thể.

Theo đó, các ban Tổng LĐLĐVN phối hợp với các viện nghiên cứu của tổ chức công đoàn và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu làm căn cứ đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét, quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tổ chức hoặc có hình thức hỗ trợ bữa ăn ca phù hợp cho NLĐ; ban hành định mức bữa ăn ca đối với NLĐ nói chung và với một số ngành nghề, công việc nói riêng làm căn cứ tổ chức và hỗ trợ bữa ăn ca của NLĐ, đồng thời phục vụ việc xác định, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng.

Tổng LĐLĐVN tăng cường ký kết các chương trình phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội người sử dụng lao động (NSDLĐ), các tổ chức đoàn thể (Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ), cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác phối hợp, chăm lo bữa ăn ca, cung cấp, hỗ trợ thực phẩm sạch, an toàn, các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, NLĐ tổ chức bữa ăn đảm bảo chất lượng, an toàn.

Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NSDLĐ, NLĐ và cán bộ công đoàn các cấp về vai trò, ý nghĩa của việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca của NLĐ. Tăng cường hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn CĐCS chủ động đề xuất, tham gia đối thoại và thương lượng, ký kết TƯLĐTT nói chung, nội dung bữa ăn ca nói riêng; chú trọng hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể cấp trên cơ sở, nhất là cấp nhóm doanh nghiệp, ngành để làm cơ sở giúp CĐCS đối thoại, thương lượng tại cấp doanh nghiệp. Phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu phần mềm Thư viện TƯLĐTT để chia sẻ thông tin, các bản TƯLĐTT có nội dung về bữa ăn ca của NLĐ...

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là việc giám sát và hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật nói chung, pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm nói riêng, tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ. Đề nghị xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn