MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo hiểm thất nghiệp là "bệ đỡ" cho người lao động bị giảm thu nhập. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Tìm giải pháp xử lý trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, giữ "bệ đỡ" cho lao động

LƯƠNG HẠNH - QUỲNH CHI LDO | 23/08/2023 15:42

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành "bệ đỡ" cho người lao động bị giảm thu nhập, mất việc. Tuy nhiên, do số lượng người thụ hưởng lớn, trường hợp hưởng trùng, tình trạng trục lợi từ quỹ đã xảy ra.

Bệ đỡ cho người lao động bị giảm thu nhập

Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện luật, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%.

Số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, với diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng, từ năm 2010 đến hết năm 2022, có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Số người được hưởng các chế độ tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp nên số người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng vọt so với các năm trước, dẫn đến có tình trạng trục lợi quỹ.

Người lao động đột ngột bị giảm giờ làm, mất việc rất cần đến trợ cấp thất nghiệp. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vẫn còn tình trạng một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, nghĩa là có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không thông báo theo quy định, dẫn đến phải thu hồi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp một phần do luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Mặt khác, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Thống nhất dữ liệu toàn quốc

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho hay, thời gian qua, có một số trường hợp người lao động vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp, dẫn đến việc hưởng trùng, đóng trùng, do đó với những khoản hưởng trùng sẽ bị thu hồi.

Theo quy định của pháp luật, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, có việc làm thì chấm dứt hưởng trợ cấp.

Vị trưởng phòng nhận định, từ khi thực hiện Luật Việc làm thì đã có điều chỉnh. Vì đây là bảo hiểm rủi ro khi người lao động mất việc làm, thay vì giải quyết một lần để thuận lợi cho cơ quan thực hiện, bằng việc bảo lưu sẽ giúp người lao động có thời gian tích lũy để nếu có tiếp tục gặp rủi ro mất việc sẽ được hưởng tiếp.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm hiểu thông tin về việc làm, BHTN. Ảnh: Lương Hạnh

Theo ông Tú, trong giai đoạn đầu, một số người lao động không nắm rõ quy định, do năng lực quản lý có hạn, dữ liệu tham gia đóng bảo hiểm phân tán ở những địa phương khác nhau, không tập trung, thậm chí ngay ở Hà Nội dữ liệu cũng phân tán ở các quận huyện, chứ chưa tập trung ở bảo hiểm thành phố. Điều này dẫn đến việc người lao động tham gia hưởng ở quận này, nhưng làm việc ở quận khác, không nắm được vấn đề trùng đóng, trùng hưởng.

Tuy nhiên, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung cơ sở dữ liệu tham gia bảo hiểm, thống nhất toàn quốc, nên trường hợp trùng đóng, trùng hưởng đã được hạn chế rất nhiều.

Đại diện phòng Bảo hiểm thất nghiệp cũng cho biết thêm, để hạn chế tình trạng trên, thời gian qua, đơn vị này đã tăng cường thông tin tuyên truyền về quyền, trách nhiệm của người lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh trùng đóng, trùng hưởng, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương để phát hiện trường hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm.

Về xử lý vi phạm cũng đã có quy định đầy đủ. “Những hành vi vi phạm ở mức độ hành chính sẽ bị xử lý hành chính, vi phạm hình sự sẽ bị xử lý hình sự” - ông Tú thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn