MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tìm kiếm việc làm thời vụ dịp Tết Nguyên đán: Cẩn trọng kẻo "dính" lừa đảo

ANH THƯ LDO | 28/01/2021 15:26
Nhóm lao động thời vụ thường thỏa thuận “hợp đồng miệng” thay văn bản. Vì vậy, người lao động tìm kiếm việc làm cần trao đổi hết sức cụ thể, rõ ràng để tránh bị lừa.

Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.

Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm.

Trước tình hình trên, Cục Việc làm đã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm.

Bước sang quý IV/2020, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.

Năm 2021, Cục Việc làm tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động.

Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động và người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống;

Trao đổi về thị trường lao động dịp cận Tết Nguyên đán, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thời điểm này, nhu cầu sử dụng lao động tăng đáng kể, các doanh nghiệp đều tăng cường sản xuất phục vụ thị trường Tết nội địa.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông qua tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, có thể thấy các lĩnh vực đang tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng như nhóm ngành ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dệt may, da giày, ăn uống, dịch vụ, du lịch...

Đặc biệt, phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng vị trí việc làm bán thời gian có nhu cầu tăng cao.

Đây cũng là thời điểm người lao động hết sức chú ý, tránh những rủi ro không mong muốn trong quá trình tìm kiếm việc làm gần Tết.

Ông Thành khuyến cáo người lao động khi tiếp nhận thông tin tuyển dụng cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào, hợp đồng lao động ra sao, giao dịch tiền lương, thưởng qua phương thức nào.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đặc biệt với nhóm lao động thời vụ, thường thỏa thuận bằng “hợp đồng miệng” thay văn bản, người lao động cũng cần trao đổi hết sức cụ thể, rõ ràng để tránh bị lừa.

Ngoài ra, để chắc chắn, người lao động có thể tìm đến các điểm sàn của các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, hỗ trợ, kết nối tìm việc tốt hơn.

Tính đến tháng 12.2020 cả nước có tổng số 98.900 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó: Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 83.996 người; số người đã được cấp giấy phép lao động là 79.101 người; 4.895 người đang làm thủ tục cấp giấy phép lao động; số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 14.904 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn