MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuối năm, người lao động đều mong muốn có thưởng Tết. Ảnh minh họa: Cường Ngô

Tìm mọi cách để người lao động có thưởng Tết

Cường Ngô LDO | 29/11/2021 13:26
Ngoài một số lĩnh vực SXKD vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh COVID-19 có thể mức thưởng Tết khả quan như tài chính - ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử..., còn lại về tổng thể, tình hình thưởng Tết nhìn chung sẽ giảm, thậm chí các lĩnh vực vẫn khó khăn như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khó có thưởng Tết cho người lao động. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào doanh số và tình hình làm ăn tới hết năm 2021 của từng DN.

Vẫn có doanh nghiệp thưởng Tết 2 tháng lương

Ông Cao Văn Tĩnh - Tổng giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ cho biết, Tết Nhâm Dần 2022, dự kiến cán bộ công nhân viên sẽ được thưởng 2 tháng lương, cao hơn năm ngoái nửa tháng lương. 

Theo ông Tĩnh, dù chịu tác động bởi dịch COVID-19, nhưng năm nay, hệ thống cảng nói chung vẫn giữ được sự tăng trưởng so với năm ngoái. Nhất là từ đầu tháng 10.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sôi nổi trở lại. Đến thời điểm này, các cảng đã đánh giá được kế hoạch năm.

“Kết quả chung cho thấy, ngành vận tải cảng biển sẽ không chịu tác động nhiều như những ngành khác nên dự kiến mức thưởng của ngành sẽ không ảnh hưởng nhiều. Năm 2021 là năm Đình Vũ có mức lợi nhuận tăng trưởng tốt, ở ngưỡng 50% doanh thu nhờ tiết kiệm tối đa tất cả các chi phí như đi lại, hội họp, công tác phí” - ông Tĩnh nói.

Cũng theo doanh nghiệp này, khi chi tiêu bất kỳ việc gì, công ty đều đặt câu hỏi “nên hay không” để có những điều chỉnh và cân đối phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Nhờ những điều đó đã giúp tổng chi giảm xuống mức hơn 20%. Theo nhẩm tính của ông Cao Văn Tĩnh - năm nay lợi nhuận công ty dự kiến đạt 320 tỉ đồng, vượt mức chỉ tiêu giao là 305 tỉ đồng.

Không khí làm việc tại Tổng Công ty may Bắc Giang LGG - những ngày này rất sôi nổi. Hơn 4.000 công nhân đã quay trở lại làm việc sau thời gian tạm đóng cửa để chống dịch. Barie phòng chống dịch, hàng rào thép gai được gỡ bỏ, để nhường chỗ cho nhịp sống bình thường trở lại.

“Không để thời gian chết, không cho máy nghỉ” là phương châm được ông Lưu Tiến Chung - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Bắc Giang LGG - truyền đến hơn 4.000 công nhân của chuyền may. Vừa nói chuyện, ông vừa cầm những xấp sản phẩm đã hoàn thành từng phần đến từng bàn máy “mồi” thêm cho công nhân may kịp tốc độ của chuyền, nhịp nhàng qua từng công đoạn.

“Chúng tôi phải tranh thủ từng giây, từng phút, như thế năng suất mới tăng lên để thu nhập của mọi người khá hơn. Nhờ thế cuộc sống công nhân mới được cải thiện” - ông Chung nói.

Về câu chuyện thưởng Tết Nhâm Dần 2022, ông Lưu Tiến Chung cho Lao Động biết, mặc dù mọi thứ mới bắt đầu trở lại, cũng còn nhiều khó khăn, song, Tổng Công ty May Bắc Giang LGG vẫn có thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên và người lao động. 

“Thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết cụ thể. Tuy nhiên, dự kiến mức thưởng Tết vẫn sẽ đảm bảo bằng năm ngoái, 2 tháng lương cho cán bộ công nhân viên và người lao động. Ngoài ra sẽ có khoản thưởng thêm cho các đơn vị, công ty thành viên, song mức thưởng này còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cuối năm” - ông Chung cho hay.

Tương tự, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May 10 - cũng cho hay, thu nhập bình quân người lao động năm nay tăng khoảng 9% so với năm 2020 khi công ty có chính sách hỗ trợ thêm người lao động trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Là ngành có số lao động đông, công ty phải thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo các đơn hàng mùa vụ nên chi phí phòng dịch tăng cao. Bởi vậy, doanh thu năm nay dù có tăng hơn năm trước, nhưng lợi nhuận cũng chỉ tương đương, ngưỡng 80 tỉ đồng” - ông Việt nói và cho biết, mức thưởng Tết năm nay sẽ cố gắng duy trì bằng năm trước, khoảng 1,5 tháng lương để động viên người lao động.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Công ty CP Nhôm Đô Thành đánh giá, mức thưởng Tết của đơn vị này dự kiến không thay đổi nhiều so với năm ngoái, trung bình người lao động sẽ nhận được 1 tháng lương cơ bản với Tết Dương lịch và 1 tháng thu nhập với Tết Âm lịch. Do vậy, mức thưởng Tết đối với công nhân dao động từ 7 - 10 triệu đồng, nhân viên từ 15 - 25 triệu đồng, còn các vị trí nhân sự cấp trung trở lên mức thưởng sẽ cao hơn.

Chia sẻ từ phía doanh nghiệp để NLĐ có thưởng Tết

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, thời điểm này vẫn khó để dự báo cụ thể mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trong ngành vì doanh nghiệp đang tập trung sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Việc thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào doanh số và tình hình làm ăn tới hết năm 2021 của từng doanh nghiệp.

“Mức thưởng có thể bằng tiền mặt, tài sản hoặc bằng các hình thức khác theo quy chế đã công bố của doanh nghiệp. Song, đối với ngành Dệt may, người lao động chính là “xương sống” của ngành nên việc thưởng Tết cũng được ưu tiên và chia sẻ từ phía doanh nghiệp” - vị này cho hay. 

Dù vậy, đó chỉ là những điểm sáng ít ỏi trong bức tranh thưởng Tết năm nay, bởi đến nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, vận tải khách vẫn chưa khôi phục hoạt động. Thậm chí, phần nhiều trong số đó có thể sẽ không thể quay trở lại thị trường...

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện chỉ mới có tối đa 50% số phương tiện, xe khách liên tỉnh hoạt động, 50% còn lại gặp khó khăn về tài chính, khó có thể quay lại thị trường.

Chưa kể, những doanh nghiệp vừa quay trở lại đã gặp ngay khó khăn khi giá xăng dầu liên tiếp tăng cao. “Thời điểm này hằng năm, các doanh nghiệp đã tính tới thưởng Tết, nhưng nay chỉ lo có việc làm cho người lao động để có thu nhập đã là may mắn” - ông Hùng bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự kiến nhiều ngành nghề có thể không có thưởng Tết. Trong bối cảnh đó, cả người lao động và doanh nghiệp, nên cùng chia sẻ với nhau, bởi khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì giữ được việc làm là điều quý giá nhất.

“Một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh có thể có mức thưởng khả quan như tài chính - ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử... Còn lại về tổng thể, tình hình thưởng Tết nhìn chung sẽ giảm, các lĩnh vực vẫn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khó có thưởng Tết” - bà Hương dự đoán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn