MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động miền núi Quảng Nam được tư vấn, hỗ trợ thủ tục xuất khẩu lao động. Ảnh: Hoàng Bin

Tín hiệu lạc quan từ xuất khẩu lao động ở miền núi Quảng Nam

Hoàng Bin LDO | 27/06/2023 06:13

Nhiều lao động (LĐ) miền núi tại Quảng Nam được hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề và đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... đã có nguồn thu nhập ổn định. Đây là hướng đi mới, nhiều triển vọng giải quyết việc làm cho lao động vùng cao.

Vừa trở về từ quận Ham Yang (Hàn Quốc) theo diện hợp đồng thời vụ, vợ chồng anh Đinh Văn Thôi và chị Hồ Thị Tuyết (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) vui mừng vì có khoản tích lũy cao.

“Mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập 75 triệu đồng, chủ thấy làm việc chăm chỉ nên thưởng thêm tiền sinh hoạt. Đi 5 tháng trở về, vợ chồng tích góp được hơn 350 triệu đồng. Chủ sử dụng lao động hứa hẹn sẽ tiếp tục bảo lãnh cho vợ chồng tôi sang làm việc vào tháng 11 tới” - anh Thôi nói.

Vợ chồng anh Thôi nằm trong số 23 lao động tại huyện Nam Trà My đi đợt đầu tiên sang Hàn Quốc. Trước khi xuất ngoại, họ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với mức từ 40 - 80 triệu đồng/người.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, toàn bộ LĐ xuất khẩu của địa phương được lãnh đạo quận Ham Yang và chủ các trang trại đánh giá rất cao về trách nhiệm cũng như khả năng tiếp cận công việc. Trở về địa phương, LĐ có vốn phát triển kinh tế.

Tương tự, sau 2 lần tổ chức kết nối tuyển dụng, đưa hàng trăm LĐ địa phương đi làm việc tại nước ngoài thành công, huyện Nam Giang đang hướng đến kết nối với THACO mở thêm sàn giao dịch việc làm, đưa thanh niên miền núi XKLĐ tại nông trường Thagrico (thuộc THACO) đóng ở Lào.

Ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO - cho biết, THACO đang có nhu cầu tuyển khoảng 4.000 lao động làm việc cho các dự án tại Lào và Campuchia. Trước khi sang nước bạn, LĐ sẽ được đào tạo.

Theo ông Bh’nướch Hải, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Nam Giang, sự hợp tác 3 bên giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo đã mở ra cơ hội việc làm giúp LĐ miền núi yên tâm “xuất ngoại”, giảm nghèo bền vững.

Trong năm 2023, huyện Nam Trà My có 43 LĐ, trong đó có 11 cặp vợ chồng đăng kí đi LĐ thời vụ theo chương trình hợp tác với quận Hamyang, Hàn Quốc. Huyện Tây Giang cũng có kế hoạch đào tạo nghề cho 300 LĐ nông thôn và đưa 80 LĐ đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Cuối tháng 5.2023, 38 lao động trẻ tại Nam Giang đã sang các nông trường Thagrico tại Lào để học tập và thực tập trong thời gian 3 tháng. Tháng thứ 2 thực tập ở nông trường, LĐ nhận lương 6-7 triệu đồng/tháng; sau 3 tháng đào tạo sẽ kí hợp đồng chính thức với mức lương 9-10 triệu đồng/tháng...

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Quảng Nam - cho biết, tỉnh đang thực hiện bước đầu có chất lượng việc đưa LĐ đi làm việc thời vụ ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác giữa Quảng Nam với các tỉnh ở Hàn Quốc. Sở đang xin ý kiến các ngành, địa phương để tham mưu tỉnh có cơ chế cho vay vốn giải quyết việc làm, XKLĐ từ nguồn ngân sách tỉnh, giúp LĐ miền núi xuất ngoại theo hợp đồng thời vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn