MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH NC LED Vina mong muốn giải quyết dứt điểm vụ việc nợ lương, bảo hiểm xã hội. Ảnh: Bảo Hân

Tình cảnh công nhân trong các doanh nghiệp dừng hoạt động: Chưa chốt được sổ BHXH, khó tìm việc mới

Bảo Hân LDO | 21/02/2023 09:13

Sau khi Công ty TNHH NC LED Vina (Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn, tỉnh Bắc Ninh) dừng hoạt động (tháng 5.2020), nhiều công nhân mất việc lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều người trong số họ khi đi tìm việc mới chỉ có thể làm công việc thời vụ, không thể vào làm chính thức do sổ bảo hiểm chưa được chốt.

Khó khăn khi công ty dừng hoạt động  

Công ty TNHH NC LED Vina dừng hoạt động từ tháng 5.2020, chủ sở hữu doanh nghiệp là người nước ngoài rời khỏi doanh nghiệp và không liên lạc được. Đến thời điểm này, người lao động vẫn đang bị nợ 1 tháng lương và 1 tháng đóng bảo hiểm xã hội.  

Mới đây, khi kể lại vụ việc này với phóng viên Báo Lao Động, nhiều người lao động vẫn chưa thể quên được những khó khăn mà họ gặp phải sau khi công ty dừng hoạt động. 

Khi còn làm ở Công ty TNHH NC LED Vina, anh Nguyễn Đức Tân (sinh năm 1991) có mức lương là 7 triệu đồng/tháng. Anh có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty từ tháng 7.2016 đến tháng 4.2020. Khi công ty dừng hoạt động, anh bị nợ tiền lương và bảo hiểm xã hội tháng 4.2020. “Do công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội nên sau khi công ty dừng hoạt động, tôi không chốt được sổ bảo hiểm xã hội” - anh Tân cho hay. 

Không chỉ vậy, theo anh Tân, thời gian đầu sau khi công ty dừng hoạt động, anh cũng như nhiều công nhân khác không xin được công việc chính thức. “Khi đi phỏng vấn thì tôi nói trực tiếp với nhân sự công ty mới là công ty cũ phá sản, chưa chốt được bảo hiểm, thì bên công ty mới có đóng bảo hiểm được không thì bên nhân sự trả lời là không được, không nhận làm công nhân chính thức” - anh Tân cho hay. Chính vì vậy, nhiều người phải đi làm thời vụ, hoặc làm lao động tự do. Sau khi công ty cũ dừng hoạt động là quãng thời gian khó khăn đối với anh Tân khi không có thu nhập, vợ lại chuẩn bị sinh con. 

Anh Tân cho biết, sau đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện báo giảm lao động nên anh cũng như nhiều công nhân khác đã đi làm công nhân chính thức. Anh Tân nói thêm, mong muốn lớn nhất của anh là cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chốt sổ bảo hiểm xã hội để anh có thể thực hiện các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội được dễ dàng hơn.  

Chị Ngô Thị Hằng (sinh năm 1990) có thời gian 9 tháng làm việc tại Công ty TNHH NC LED Vina. Sau khi công ty ngừng hoạt động, chị bị nợ 6 triệu đồng tiền lương và nợ bảo hiểm xã hội tháng 4.2020. Sau khi nghỉ ở nhà một vài tháng, chị đi làm ở công ty khác, nhưng do chưa chốt được sổ bảo hiểm xã hội, nên sau đó chị xin nghỉ làm.  

“Hiện tôi đã làm ở công ty mới, đã được đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn chưa chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Bây giờ tôi chỉ mong chốt được sổ để yên tâm đi làm ở những công ty khác, đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội” - chị Hằng cho hay.  

Cần sớm giải quyết dứt điểm vụ việc 

Theo Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du, tính đến ngày 30.4.2020, Công ty TNHH NC LED Vina nợ bảo hiểm xã hội số tiền 297.823.748 đồng (tương đương 1 tháng, đơn vị đã đóng hết tháng 3.2020). Do chủ sử dụng lao động rời khỏi đơn vị và không liên lạc được, tạm thời đơn vị báo giảm lao động nghỉ không lương kể từ ngày 1.5.2020.  

Tại thời điểm 31.5.2022, đơn vị còn 86 lao động vẫn đang nghỉ không lương; tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 319.549.561 đồng. Đến ngày 15.2.2023, tổng số tiền công ty nợ bảo hiểm xã hội là 337.531.547 đồng.  

Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du cho biết, về xác nhận sổ bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đã đóng hết bảo hiểm xã hội đến hết tháng 3.2020 thì bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du đã in tờ rời trả hết cho người lao động.  

Tuy nhiên, hiện nay, tại thời điểm tháng 4.2020, vì đơn vị nợ tiền nên cơ quan bảo hiểm xã hội không xác nhận quá trình đóng trong tháng này được. Theo Bảo hiểm xã hội huyện, hướng của tỉnh chỉ đạo là để cho người lao động đi làm ở đơn vị khác không bị vướng mắc, khi họ có hợp đồng lao động với công ty khác thì cơ quản bảo hiểm xã hội vẫn xác nhận quá trình đóng bảo hiểm và thực hiện báo giảm cho người lao động. Đến khi nào đơn vị thực hiện xong nghĩa vụ bảo hiểm xã hội thì sẽ xác nhận thời gian đóng bù đó sau. 

Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Du - cho biết, hiện nay có vướng mắc là xác định tình trạng thực tế của doanh nghiệp; cơ quan bảo hiểm xã hội không kết luận được vì liên quan đến nhiều cơ quan quản lý Nhà nước. 

Ông Đức bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sớm xác định trình trạng hoạt động của doanh nghiệp để cơ quan bảo hiểm xã hội huyện có hướng xử lý các nội dung có liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn