MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trợ cấp hưu trí xã hội là khoản tiền người già không có lương hưu mong mỏi. Ảnh: Minh Hồng

Tính toán kỹ độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội

LƯƠNG HẠNH - MINH HỒNG LDO | 17/08/2023 11:00

Là lao động tự do hơn 40 năm, cuộc sống lam lũ chạy ăn từng bữa để nuôi con khiến ông Phong chưa từng nghĩ đến chuyện đóng bảo hiểm xã hội, hưởng lương hưu. Đến nay, khi không còn sức khỏe, ông lại đếm từng ngày còn lại của cuộc đời để chờ đến tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội.

Chờ ngày nhận trợ cấp hưu trí

Vợ chồng ông Đỗ Văn Phong (sinh năm 1958) và bà Dương Thị Lý (sinh năm 1956) trú tại TP Hải Phòng, đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn khi đã bước vào tuổi già.

Là lao động tự do, cả hai ông bà đều không có lương hưu. Khi còn trẻ, ông Phong từng làm thợ xây để kiếm sống, trong khi bà Lý chỉ loay hoay công việc nội trợ và làm ruộng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đến nay khi đã già, nhiều bệnh tật, hai ông bà lại đau đáu nỗi lo trở thành gánh nặng cho các con.

“Cuộc sống của hai vợ chồng ở tuổi xế chiều phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ từ con cái. Nói là để các con báo hiếu, nhưng vợ chồng tôi không đành lòng mang vác thêm gánh nặng cho con” - ông Phong tâm sự.

Khi không có lương hưu, trợ cấp hưu trí xã hội sẽ là một nguồn quan trọng để giúp vợ chồng ông Phong có cuộc sống ổn định hơn và không phải lo lắng về tương lai.

Lấy người lao động là trung tâm

Ông Đức Minh (SN 1964, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) không được hưởng chế độ lương hưu và không đủ điều kiện để nhận các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác. Ông cho rằng, trợ cấp hưu trí sẽ là một niềm an ủi rất lớn đối với người cao tuổi như ông, những người đang tiếp cận độ tuổi “gần đất xa trời”.

Ông Minh bày tỏ, mong muốn, độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội có thể được giảm xuống 70 tuổi. Bởi theo ông Minh, không phải ai cũng có đủ sức khỏe để sống đến 80 tuổi và nhận trợ cấp hưu trí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

“Tôi mong muốn có thể giảm độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xuống 70 tuổi bởi đây là con số lý tưởng. Với những người già như chúng tôi, khoảng cách từ 74 đến 75 tuổi là quá xa xỉ” ông Minh chia sẻ.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của thường trực Chính phủ và thành viên Chính phủ tại cuộc họp về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thống nhất với Văn phòng Chính phủ về quan điểm cần phải điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII - đồng tình với đề xuất giảm độ tuổi hưu trí đối với những người không có lương hưu khi về già.

Bà An cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội cần rà soát và đánh giá, báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về số lượng người cần hưởng trợ cấp; từ đó đưa ra phương hướng, chính sách giải quyết. Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh của những người lao động lớn tuổi và lấy họ làm trung tâm để sửa đổi, bổ sung các chính sách.

“Tuy nhiên, nếu đề xuất độ tuổi quá thấp sẽ gây ra tình trạng mất cân đối chi ngân sách. Chính vì vậy, vẫn cần tính toán kỹ lưỡng về việc giảm độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí, nên giảm từ tuổi nhận trợ cấp hưu trí trong khoảng từ 70 đến 75” - bà An nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn