MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình (bên phải) khuyến khích mô hình di thực sâm Ngọc Linh và các dược liệu quý tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh: TV

Tính toán sinh kế mới cho người dân

NHÓM PV LDO | 21/08/2018 06:40
Ngày 20.8, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các đối tác tổ chức Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình dự và chỉ đạo hội nghị.

Mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh

Tháng 6.2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Tỉnh Quảng Nam đã nhân rộng trồng loại sâm này ở nhiều khu vực có địa lý tương đồng, mang lại kinh tế cho người dân. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KHCN Quảng Nam - cho biết, trước đây, sâm Ngọc Linh chỉ được phân bố tự nhiên trên độ cao từ 1.500m ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My). Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh đã trồng tại 7 xã thuộc vùng địa danh được bảo hộ chỉ dẫn địa lí. Ngoài ra, nó cũng đã được nghiên cứu di thực bước đầu cho kết quả tốt tại huyện Phước Sơn và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh đó, việc áp dụng KHCN vào nghiên cứu, bảo tồn và phát triển sâm đã gặt hái được nhiều thành quả như: Tỉ lệ hạt nảy mầm được nâng lên 85%, tỉ lệ sống ở vườn trồng đạt trên 85%. Sở KHCN Quảng Nam cũng đã ứng dụng quy trình nuôi cấy mô tế bào thực vật nhân giống sâm Ngọc Linh đạt kết quả ở việc tạo cây con nuôi cấy mô ở phòng thí nghiệm. “Kết quả của nghiên cứu cho thấy, có khả năng di thực cây sâm Ngọc Linh đến những vùng khác, đi kèm với đó là việc xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại, làm cơ sở ban hành các quy định về hướng dẫn kỹ thuật” - ông Tích cho hay.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, sâm Ngọc Linh đã góp phần ổn định cuộc sống người dân, tỉ phú người đồng bào đang xuất hiện nhiều hơn nhờ cây sâm.

“Việt Nam không chỉ có Sâm Ngọc Linh”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, năm 2017 và nửa đầu năm 2018, nhiều tỉnh miền núi đã gặp phải thiên tai, điều này đòi hỏi việc giảm nghèo và phát triển bền vững cho đồng bào DTTS cần phải được chú trọng nhiều hơn nữa, nhất là phát triển lâm nghiệp, cây dược liệu, công nghệ cao và sự kết hợp công tư hợp tác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Có thể thấy, cơ hội phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ ở khu vực miền núi mà chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là điển hình đã khẳng định, nếu có phương pháp tiếp cận đúng, có chiến lược phát triển đồng bộ cùng với quyết tâm cao của chính quyền các địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có lời giải với hiệu quả cao. Thế nhưng, Việt Nam không chỉ có sâm Ngọc Linh, chúng ta còn có nhiều cây dược liệu trên nhiều độ cao, khí hậu khác nhau, nếu được nghiên cứu phát triển như sâm Ngọc Linh sẽ giúp làm giàu cho đồng bào DTTS”.

Từ đó, Phó Thủ tướng đề ra các nội dung, yêu cầu chính quyền các địa phương cần làm như xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn sau 2020. Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế - đặc sản của địa phương mình.

“Nếu có thể, hãy nghiên cứu những đề xuất về di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, các lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập. Tôi cũng khuyến khích Quảng Nam và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với một loại dược liệu quý đã được công nhận là sản phẩm quốc gia” - Phó Thủ tướng phát biểu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn