MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn công tác trao cặp phao cho học sinh tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Đ.V

Tổ chức Công đoàn đồng hành “Cùng em tới trường”

QUẾ ANH (thực hiện) LDO | 05/09/2017 06:30
Trước thềm năm học mới 2017 - 2018, PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam – về sự quan tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) với trẻ em.

Một trong những mảng hoạt động quan trọng của Quỹ Bảo trợ trẻ em CĐVN là “Cùng em đến trường”. Xin bà cho biết, trong năm nay, Quỹ đã tiến hành các hoạt động ở mảng này như thế nào?

- Quỹ được thành lập năm 1994. Trong 5 năm gần đây, Quỹ xây dựng 6 chương trình hoạt động: “Cùng em đến trường”, hỗ trợ các cháu cặp phao cứu sinh, cặp ba lô, sách vở… trước thời điểm vào năm học mới; “Vòng tay yêu thương“, hỗ trợ những trường hợp trẻ em khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo; “Áo ấm cho em”, tặng quần áo cho trẻ những vùng miền núi, hải đảo; “Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ”, hỗ trợ mổ tim cho con CNLĐ; “Hỗ trợ phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ”, tặng thiết bị, đồ dùng dạy học cho các nhà trẻ; “Đón xuân cùng bé”, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để có quà tết cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ ở các DN khó khăn, có thu nhập thấp… Quỹ Bảo trợ trẻ em đã ký được các chương trình hợp tác dài hạn với BIDV, Vietcombank, VietinBank, đồng thời nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, thường xuyên của Tập đoàn Dầu khí VN và các đơn vị thành viên của PVN, Tập đoàn Điện lực VN…

Riêng năm học 2017-2018, từ kinh phí do các nhà tài trợ ủng hộ, Quỹ đã trao được 4.500 cặp ba lô cho con CNLĐ ở các KCN và 11.000 cặp phao cứu sinh cho con CNLĐ ở vùng sông nước. Năm nay, Quỹ còn vận động được các nhà tài trợ trao 200 chiếc xe đạp cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; trao học bổng cho con CNLĐ vượt khó học giỏi (dự kiến tổng giá trị gói học bổng khoảng 350 triệu đồng). Các món quà như cặp sách, áo ấm, xe đạp và học bổng do các nhà tài trợ ủng hộ thông qua Quỹ năm nay ước tính khoảng 5 tỉ đồng cho trẻ em ở 34 tỉnh trong cả nước. Đây là những điểm mới trong hoạt động của Quỹ hưởng ứng năm “Vì lợi ích đoàn viên CĐ”.

Trên thực tế, việc học tập của trẻ ở các cấp học khác nhau sau tuổi mẫu giáo cũng là mối lo, gánh nặng đè lên vai NLĐ, đặc biệt đối với NLĐ nhập cư, vì họ không có hộ khẩu nên rất khó xin học cho con ở các trường công lập. Trong Đề án xây dựng các thiết chế CĐ của Tổng LĐLĐVN có đề cập đến việc hỗ trợ các cháu thuộc đối tượng này không, thưa bà?

- Là phụ nữ, tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ với CNLĐ đặc biệt với lao động nữ về những âu lo khi có con chuẩn bị vào độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ và phổ thông. Ngành giáo dục đào tạo đang từng bước giải quyết vấn đề này. Về phía trách nhiệm của tổ chức CĐ, chúng tôi đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thiết chế CĐ tại các KCN-KCX, trong đó đã quy định có nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ và mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện sống của NLĐ. Tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều và chưa thể đáp ứng được mọi nhu cầu của CNLĐ.

Hiện nay, tổ chức CĐ hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách trong việc chăm sóc con CNLĐ, vận động DN có sử dụng nhiều lao động nữ hỗ trợ (bằng tiền) đối với NLĐ đang nuôi con nhỏ. Quỹ Bảo trợ trẻ em CĐVN cũng luôn đồng hành và có những sự hỗ trợ thiết thực thông qua các hoạt động của mình, đặc biệt là chương trình “Cùng em đến trường”. Cụ thể, trước thềm năm học mới 2017-2018, Quỹ đã phối hợp cùng các đơn vị tài trợ và LĐLĐ các tỉnh trao học bổng, hàng trăm chiếc cặp phao, ba lô và xe đạp cho học sinh ở các tỉnh Trà Vinh, Ninh Bình, Thanh Hóa…

Cùng với các hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em, các cấp CĐ cũng hoạt động rất tích cực trong việc chăm lo cho con CNLĐ, như tổ chức tuyên dương, tặng quà cho các cháu học sinh là con CNLĐ học giỏi, đoạt các giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; tuyên dương và trao học bổng cho các cháu vượt khó học giỏi. Chúng tôi mong muốn các cấp CĐ nỗ lực hơn nữa để chung tay cùng các cấp, các ngành chăm lo cho trẻ em, trong đó có trẻ em là con CNLĐ.

Được biết, Tổng LĐLĐVN đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính sách đối với lao động nữ. Những chính sách này đã có tác động tích cực, trực tiếp đến việc nuôi và chăm sóc con nhỏ của CNLĐ. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về những chính sách đó và kết quả thực tế?

- Tổng LĐLĐVN đã tham gia Ban soạn thảo Bộ luật Lao động 2012, đặc biệt, những nội dung của chương X về chính sách đối với lao động nữ và đối với các DN có sử dụng nhiều lao động nữ. Điều này trực tiếp góp phần tạo điều kiện cho lao động nữ chăm sóc, giáo dục con.

Tổng LĐLĐVN cũng đã phối hợp với Bộ GDĐT đề xuất với Chính phủ ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg và các giải pháp để giải quyết vấn đề trường lớp mầm non trong các KCN-KCX. Trong đó, quan trọng là quy định các cấp chính quyền địa phương phải rà soát lại quy hoạch quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi cho CNLĐ trong đó có nhà trẻ, mẫu giáo.

Chỉ thị 09 ra đời năm 2015 và đã có tác động đến các cấp chính quyền địa phương như: UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành “Đề án về phát triển giáo dục mầm non trong các KCN-KCX trên thành phố lộ trình đến năm 2020” và đã tiến hành xây dựng một số cơ sở mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ; UBND TP.Hà Nội cũng bố trí ngân sách để xây dựng một nhà trẻ ở KCN Kim Chung (Đông Anh); UBND tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư 20 tỉ đồng xây nhà trẻ trong KCN Khai Quang; một số DN khác như Cty Pauchen, Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa, Đồng Nai), Cty dệt Phong Phú, TCty May 10… cũng đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng trường mầm non cho con CNLĐ ở đơn vị mình.

Đáng chú ý là những trường này đều được xây dựng theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT và Quỹ Bảo trợ trẻ em CĐVN đã hỗ trợ thiết bị giảng dạy, đồ chơi cho các cháu. Tuy nhiên, những “điểm sáng” như trên vẫn chưa nhiều.

Đặc biệt, trong năm 2017, từ đề xuất của Tổng LĐLĐVN, Đề án xây dựng thiết chế CĐ tại các KCN-KCX của Tổng LĐLĐVN cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, có thể nói tham gia xây dựng cơ chế chính sách cho CNVCLĐ trong đó có chính sách hỗ trợ cho lao động nữ từ nhận thức đến hành động đã trở thành một chủ trương nhất quán.

- Xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn