MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh. Ảnh: Hải Nguyễn

Tổ chức Công đoàn triển khai nhiều giải pháp: Cố gắng không để người lao động mất việc, giãn việc

Hà Anh LDO | 18/11/2022 06:15
Ngày 17.11, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, theo nắm tình hình của tổ chức Công đoàn, tại các tỉnh, thành phố có tình trạng doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động.

Theo báo cáo của 25 địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN có người lao động bị ảnh hưởng thì ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là chế biến gỗ, dệt may, da giầy; ngoài ra có một số ít doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng: 485 doanh nghiệp (352 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 72,57%) với tổng số 631.329 lao động - tập trung ở khu vực phía Nam với 61,85% tổng số doanh nghiệp, 87,36% tổng số lao động bị ảnh hưởng. 

Trong đó có 569.589 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90,22%); 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,47%); 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc… (chiếm 4,31%). Có 2.949 người lao động bị nợ lương với số tiền hơn 79,899 tỉ đồng.

Theo công đoàn các địa phương, NLĐ bị giảm giờ làm hàng ngày; làm cách nhật (2, 4, 5 hoặc 3, 5, 7 hoặc từ 3 đến 5 ngày/tuần); nghỉ hưởng lương ngừng việc; nghỉ không hưởng lương; tạm hoãn hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động.

Ông Phan Văn Anh cho biết, trước tình trạng khó khăn của người lao động, các các cấp công đoàn đã nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Công đoàn tham gia, đối thoại, thương lượng với NSDLĐ xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho NLĐ, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động thì CĐCS với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên đã tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

Kết nối các CĐCS doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương nắm chắc tình hình các doanh nghiệp (sản xuất, kinh doanh, giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn), người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập; tăng cường các hoạt động giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tổ chức các hoạt động nhằm chăm lo cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, thiếu, mất việc làm, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; tăng cường kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động đến các CĐCS doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Sắp tới, Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức làm việc với các cơ quan chức năng để trao đổi, chia sẻ tình hình và thống nhất triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, chế độ cho người lao động trong dịp trước, trong và sau Tết.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình khó khăn, cắt giảm thời giờ làm việc, việc làm của người lao động để có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời trên phạm vi cả nước, ở những ngành, địa phương khó khăn, có nhiều người lao động bị ảnh hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn