MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS.Vũ Minh Tiến - Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - chủ trì toạ đàm. Ảnh: VCNCĐ

Toạ đàm Xây dựng, phát triển Viện Chiến lược Công nhân và Công đoàn

Kiều Vũ LDO | 31/08/2022 11:16

Hà Nội - Ngày 31.8, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức Toạ đàm “Xây dựng, phát triển Viện nghiên cứu Chiến lược Công nhân và Công đoàn” dưới sự chủ trì của TS.Vũ Minh Tiến - Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các Viện nghiên cứu chiến lược của một số bộ, ngành và nguyên lãnh đạo Viện Công nhân và Công đoàn qua các thời kỳ.

Toạ đàm được tổ chức với mục đích xây dựng định hướng phát triển Viện Công nhân và Công đoàn trở thành Viện Chiến lược Công nhân và Công đoàn giai đoạn 2023-2028, tầm nhìn 2045; làm cơ sở xây dựng Đề án Viện Chiến lược Công nhân và Công đoàn trình Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn phê duyệt trong năm 2022.

Viện Công nhân và Công đoàn là một đơn vị nghiên cứu chuyên biệt lý luận và thực tiễn về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Bên cạnh chức năng nghiên cứu, tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, viện còn được huy động trực tiếp vào hầu hết quá trình tham mưu cấp chiến lược do các cơ quan Đảng và Nhà nước giao phó. Cụ thể, về xây dựng giai cấp công nhân, lực lượng lao động hiện đại, lớn mạnh và phát triển tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện của người lao động ở cơ sở (bao quát nhiều lĩnh vực, từ lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; đến các vấn đề của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay quá trình chuyển đổi số quốc gia…). Do đó, hoạt động của viện gắn trực tiếp với các vấn đề cấp chiến lược của tổ chức Công đoàn nói riêng và nhiều vấn đề cơ bản của hệ thống chính trị nói chung.

Viện Công nhân và Công đoàn là một đơn vị nghiên cứu chuyên biệt lý luận và thực tiễn về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, nên hoàn toàn không có nguồn thu ngoài các đề tài, đề án được giao, đặt hàng từ Tổng Liên đoàn hoặc có từ một số hạn chế các kênh đấu thầu, liên kết phối hợp nghiên cứu từ các tổ chức trong nước và quốc tế. 

Bên cạnh đó, viện cũng gặp khá nhiều khó khăn về tổ chức, nhân sự và nguồn nhân lực. Với những khó khăn như vậy, Viện Công nhân và Công đoàn không thể thu hút, tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng, dù đã có rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, mời gọi, thuyết phục. 

Vì vậy, Đề án Viện Chiến lược Công nhân và Công đoàn được kỳ vọng là giải pháp cốt lõi đề giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đặc biệt để làm tốt hơn vai trò đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam

Tại toạ đàm, các đại biểu đã cho ý kiến về bố cục, nội dung của đề án. Trong đó, cho ý kiến tổng thể, khách quan về đề xuất của viện trong bản dự thảo đề án; một số gợi ý đề xuất mở rộng về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, đối tượng, phạm vi công tác; đặc biệt là các căn cứ pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ các đề xuất; nghiên cứu phương án nâng cấp theo hướng trở thành Viện Chiến lược, thay là chỉ Viện Nghiên cứu Chiến lược…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn