MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hoàng Thị Thanh Hường - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - phát biểu tại đại hội. Ảnh: Hải Nguyễn

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chi cho an sinh xã hội giai đoạn 2018 - 2023 khoảng 86,5 tỉ đồng

Hà Anh - Hải Nguyễn LDO | 22/09/2023 10:11

Ngày 22.9, tại Đại hội VI Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, bà Hoàng Thị Thanh Hường - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động trong các cấp Công đoàn Tổng Công ty có nhiều chuyển biến đã mang lại những kết quả tích cực, được lãnh đạo chuyên môn và người lao động ghi nhận, đánh giá cao.

Trong đó, trọng tâm là các chương trình Tết Sum vầy, Tháng Công nhân, Chương trình Mái ấm Công đoàn, Quỹ Xã hội Công đoàn Tổng Công ty, Chương trình Phúc lợi đoàn viên…

Chương trình Tết Sum vầy và các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động hàng năm được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời đã tạo được không khí đầm ấm, nghĩa tình của tổ chức Công đoàn, sự lan tỏa chia sẻ trong người lao động. Tổng số tiền các cấp Công đoàn Tổng Công ty và chuyên môn dành chăm lo Tết giai đoạn 2018 - 2023 là khoảng 45 tỉ đồng.

Tháng Công nhân hằng năm, Công đoàn các cấp tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động huy động các nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, tập trung chăm lo tốt hơn lợi ích vật chất, tinh thần của người lao động, sĩ quan, thuyền viên để NLĐ có “quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” như thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động; hỗ trợ nhà Mái ấm Công đoàn...

Trong thời gian dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, Công đoàn Tổng Công ty đã bám sát diễn biến của dịch để quyết liệt chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức nhiều hoạt động kịp thời, thiết thực bảo vệ sức khỏe cho người lao động; chăm lo việc làm, tiền lương, đời sống, trong đó hướng mạnh đến đối tượng công nhân lao động trực tiếp, đảm bảo để người lao động không bị bỏ lại phía sau.

Ông Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - (ngoài cùng, bên phải) trao hỗ trợ Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên. Ảnh: Hà Anh

Các cấp Công đoàn Tổng Công ty cũng đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mái ấm Công đoàn chăm lo nhà ở cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với việc xây dựng các tiêu chí rõ ràng, sự rà soát cẩn trọng, nghiêm túc, sự lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động nhằm hỗ trợ đúng nhóm đối tượng cần chăm lo, chương trình Mái ấm Công đoàn giai đoạn 2018 - 2023 đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực, niềm tin cho đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn. Các cấp Công đoàn Tổng Công ty đã hỗ trợ 52 Mái ấm Công đoàn với tổng số tiền 1,9 tỉ đồng, trong đó Công đoàn Tổng Công ty hỗ trợ 33 nhà.

Không chỉ chăm lo cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn mà con của người lao động bị nhiễm chất độc dioxin, bị dị tật bẩm sinh cũng được Công đoàn Tổng Công ty quan tâm hỗ trợ hằng tháng. Với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng dành cho các cháu bị dị tật bẩm sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1.000.000 đồng/tháng dành cho các cháu bị nhiễm chất độc dioxin, tính từ tháng 9.2016 (thời điểm bắt đầu chương trình) đến nay, tổng số tiền hỗ trợ cho các cháu là hơn 2,4 tỉ đồng.

Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam, các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động các đơn vị còn rất trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội với cộng đồng như: hỗ trợ đồng bào nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc; đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ... Tổng số tiền các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn chi thực hiện công tác an sinh xã hội giai đoạn 2018 - 2023 là khoảng 86,5 tỉ đồng.

Bà Hoàng Thị Thanh Hường - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - cho rằng, giai đoạn 2018 - 2023, các chương trình, hoạt động chăm lo ngày càng được công đoàn tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng đúng, đủ nhu cầu chính đáng của người lao động; đối tượng cần chăm lo tập trung hơn, không còn hiện tượng dàn trải, cào bằng; công tác chăm lo được thực hiện kịp thời, thiết thực, giúp người lao động yên tâm công tác, cống hiến và thêm tin yêu tổ chức Công đoàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn