MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) - đơn vị cốt lõi về kỹ thuật của Tập đoàn Viettel. Ảnh: Tuấn Phong

Tổng Công ty Mạng lưới Viettel: Những cuộc cách mạng về kết nối

Cường Ngô LDO | 09/11/2021 07:00

Viettel đang là mạng viễn thông - công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam và nằm trong Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới. Kiến tạo hạ tầng mạng lưới hiện đại, tự chủ và tiên phong về công nghệ để tạo ra những cuộc cách mạng về kết nối, góp phần thay đổi cuộc sống của con người, phát triển đời sống kinh tế - xã hội và luôn sẵn sàng là mạng thông tin quân sự thứ 2, bảo vệ Tổ quốc. Đó là sứ mệnh của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) - đơn vị cốt lõi về kỹ thuật của Tập đoàn Viettel.

Biến “alo” từ một dịch vụ xa xỉ thành nhu cầu thiết yếu như “cơm ăn, nước uống”

Một trong những quyết định lịch sử và cuộc bùng nổ đầu tiên của viễn thông Việt Nam là khi Viettel phủ sóng di động 2G trên toàn quốc vào năm 2004. Dù đi sau, nhưng với vùng phủ sâu rộng nhất, dung lượng lớn nhất và chất lượng mạng lưới tốt nhất, Viettel đã biến việc “alo” từ một dịch vụ xa xỉ trở thành nhu cầu thiết yếu cho mọi người dân như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày.

Trao đổi với Lao Động, Thượng tá Đào Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettet - cho biết, sau khi vươn lên là nhà mạng số 1 Việt Nam vào năm 2008, Viettel tiếp tục khởi xướng cuộc cách mạng mới về dữ liệu khi đưa vào khai thác mạng di động 3G lớn nhất cả nước vào năm 2010 và là mạng duy nhất trên thế giới ngay khi khai trương đã phủ được 86% dân số.

Đến năm 2017, Viettel Networks đã tạo nên một kỳ tích mới khi dựng nên mạng 4G lớn nhất với 36.000 trạm BTS, công nghệ tiên tiến nhất thế giới chỉ trong vòng 6 tháng. Mạng 4G của Viettel đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dữ liệu, lưu lượng năm sau luôn cao gấp đôi năm trước, giúp người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video, tường thuật trực tuyến để làm việc, học tập, giải trí hay kinh doanh.

Năm 2004, Viettel chỉ có 500 trạm phát sóng. Nhưng 5 năm sau, năm 2009, con số ấy lên tới 20.000 trạm, phủ sóng tới tận những nơi “thâm sơn cùng cốc” của đất nước. Số trạm này tăng gấp 40 lần và gần bằng 50% số trạm của 7 nhà cung cấp còn lại vào thời điểm đó. Số trạm 2G, 3G, 4G của Viettel Networks hiện nay lên tới hơn 120.000 trạm. Khi khai trương dịch vụ di động, Viettel chỉ có 500.000 khách hàng, thì đến năm 2009 đã có 34 triệu thuê bao, gấp tới 68 lần và đến giờ là gần 70 triệu khách hàng, giữ vững là nhà mạng dẫn đầu tại Việt Nam.

Mạng lưới Viettel luôn được ghi nhận đạt chất lượng tốt nhất trong các nhà mạng tại Việt Nam thông qua tất cả các chương trình đo kiểm đối với dịch vụ thoại di động, Internet di động. Công ty đo kiểm tốc độ Internet toàn cầu Ookla trao cho Viettel giải Mạng di động có tốc độ nhanh nhất tại Việt Nam. Hãng đo kiểm viễn thông hàng đầu thế giới Umlaut cũng công bố Viettel là Mạng di động tốt nhất Việt Nam và thuộc nhóm các nhà mạng rất tốt trên thế giới.

“Hạ tầng mạng lưới sâu rộng với chất lượng vượt trội của Viettel Networks đã tạo tiền đề để Viettel làm nên 2 cuộc cách mạng trong viễn thông. Đó là cuộc cách mạng phổ cập điện thoại di động để mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động và cuộc cách mạng Internet di động băng rộng để mỗi người dân có một chiếc điện thoại smartphone” - Thượng tá Đào Xuân Vũ chia sẻ.

Mạng thông tin quân sự thứ 2

Sinh ra từ quân đội, trưởng thành từ quân đội, theo Thượng tá Đào Xuân Vũ - Tổng Công ty Mạng lưới Viettel luôn nhận thức sâu sắc việc phát triển hạ tầng mạng lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đóng vai trò là mạng thông tin quân sự thứ 2 của quốc gia.

Từ năm 2007, sóng Viettel đã xuất hiện ở Trường Sa. Đến nay, toàn bộ quần đảo này cũng như các nhà giàn, đồn biên phòng trên toàn quốc đều có mạng Viettel hiện diện. Mục tiêu của Viettel Networks là ở đâu có dân, có cán bộ, chiến sĩ thì phải có sóng Viettel. 

Hằng năm, Tổng Công ty liên tục mở rộng, nâng cấp, củng cố và bảo dưỡng hạ tầng mạng lưới ở khu vực biển đảo, đồn biên phòng. Sóng Viettel đã vươn xa, phủ khắp các vùng biển, dọc biên giới, phục vụ đắc lực cho công cuộc chinh phục đại dương, phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Về công nghệ, ngoài giải pháp đặc thù cho các trạm 2G, hiện nay, các trạm 3G, 4G biển đảo của Viettel Networks đều sử dụng công nghệ khuếch đại đa sóng mang để đạt được công suất cao kết hợp với tính năng phủ xa và ưu thế về độ cao so với mực nước biển. Khi bật tính năng này, vùng phủ trạm 3G, 4G của Viettel có thể tăng từ 30km lên tối đa 180km.

Nỗ lực phát triển hạ tầng mạng lưới của Viettel Networks đã rút ngắn khoảng cách số giữa khu vực thành thị với nông thôn, vùng sâu vùng xa; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kích cầu đầu tư, nâng cao dân trí, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin của Viettel đã giúp gần 10 triệu đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với thông tin xã hội, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa và ngôn ngữ của mình. 

Tiên phong và tự chủ công nghệ

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Viettel Networks đã và đang tiến hành công cuộc chuyển dịch từ một công ty chuyên về vận hành khai thác trở thành một công ty công nghệ với mục tiêu tiên phong kiến tạo hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, trở thành hạ tầng quan trọng của quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2019, các kỹ sư Viettel Networks đã thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. Việc làm chủ hệ thống 5G của Viettel được đánh dấu bằng cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu, sản xuất vào tháng 1.2020. 

Năm 2020, Viettel Networks đã hoàn thành phát sóng hơn 100 trạm 5G tại Hà Nội, TPHCM, TP.Thủ Đức và trở thành nhà mạng đầu tiên thử nghiệm thương mại, đưa dịch vụ 5G đến khách hàng sớm nhất. Các trạm 5G của Viettel sử dụng thiết bị có cấu hình cao nhất thế giới hiện nay, 64 thu 64 phát của Ericsson Thụy Điển. 

Cùng với đó là các trạm 5G do chính Viettel nghiên cứu, sản xuất. Tốc độ 5G Viettel đo kiểm duy trì ở mức 1Gbps - 1.2 Gbps, tốt hơn các nước phát triển đi đầu về 5G. Ngay từ đầu triển khai 5G, các kỹ sư Viettel Networks đã tự nghiên cứu và làm chủ từ thiết kế, lắp đặt, phát sóng, vận hành khai thác, tối ưu. 

Đến nay, Viettel đã có hơn 150 trạm 5G được phát sóng, ngoài Hà Nội, TPHCM (bao gồm TP.Thủ Đức) có thêm Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế. Về công nghệ, Viettel triển khai kiến trúc mạng 5G không độc lập (Non-standalone). Đây cũng là công nghệ đang được nhiều nhà mạng hàng đầu thế giới về 5G áp dụng như SK Telecom, KT (Hàn Quốc), Verizon (Mỹ), Vodafone (Anh).

Với những thành tích tiêu biểu đạt được, Viettel Networks được tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao Động (hạng Nhì, Hạng Ba), 4 Cờ thi đua Chính phủ, 4 Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.

  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn