MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Hải Nguyễn

Tổng LĐLĐ Việt Nam: Dành 1,5 tỉ đồng hỗ trợ công nhân bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19

Bảo Hân - Hải Nguyễn LDO | 17/05/2021 12:12

Sáng 17.5, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với Liên đoàn lao động các tỉnh có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh.

Nâng cao mức độ cảnh giác

Báo cáo nhanh tình hình tham gia phòng chống dịch của các cấp công đoàn, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Ban Quan hệ Lao động cho biết, hiện nay tình hình dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo từ các cấp Công đoàn, đến 20h ngày 16.5, đã có 366 ca dương tính là công nhân lao động các doanh nghiệp và Khu công nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: T P. Hà Nội: 7 ca; Bắc Giang: 310 ca; Bắc Ninh: 11 ca; Hưng Yên: 1 ca; Phú Thọ: 1 ca; Đà Nẵng: 36 ca.

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ ngày 27.4.2021 đến nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường, nâng cao mức độ cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện một số nội dung sau: Tiếp tục quán triệt chỉ đạo việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới;

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5 cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026;

Tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động yên tâm sản xuất, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến mới của dịch bệnh;

Kịp thời điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân - Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài ra, Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp.

Tại Bắc Giang – nơi hiện có 310 ca là công nhân lao động dương tính với COVID-19 nằm trong 2 Khu công nghiệp - ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh có 4.260 công nhân lao động là F1 đang cách ly tập trung và 17.592 công nhân lao động là F2 tự cách ly tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm, đến nay, toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, công nhân lao động nghỉ việc, trong đó 299 công nhân lao động phải nghỉ việc do 3 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì hết nguyên liệu; gần 45.000 công nhân lao động của 52 doanh nghiệp phải nghỉ việc do phải cách ly và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch COVID-19.

Theo ông Bắc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, có phương án cho người lao động nghỉ luân phiên, nghỉ phép năm; bố trí các ca làm việc hợp lý để người lao động có thể trông con khi các nhà trường tạm nghỉ do dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Đối với người lao động phải cách ly, không đến công ty đi làm được do quy định của địa phương, công đoàn cơ sở đã tham gia để doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

“Hiện nay, xe đưa đón công nhân ở xa đến các khu công nghiệp để làm chỉ đưa đón được 50% công suất do phải thực hiện giãn cách, số còn lại phải tự đi bằng xe máy tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp là rất khó khăn. Đề nghị Tổng Liên đoàn đẩy nhanh tiến độ làm thiết chế để có nhà ở cho công nhân thuê, giảm bớt khó khăn trong việc đi lại”- ông Nguyễn Văn Bắc nói.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đề nghị Tổng Liên đoàn chỉ đạo và sớm ban hành hướng dẫn về công tác chăm lo cho công nhân lao động, giáo viên phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch để họ yên tâm và đảm bảo cuộc sống; có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia phòng, chống dịch.

Đề nghị hỗ trợ công nhân F0 từ 3-5 triệu đồng/người

Còn tại Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, cho biết, tính đến 18h ngày 16.5, số đoàn viên Công đoàn là F0 có 9 ca; số đoàn viên công đoàn là F1: 456 người; số đoàn viên công đoàn là F2: 4.672 người.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn thuộc diện: F0 từ 3-5 triệu đồng/người; F1 hỗ trợ 1 triệu đồng/người; đối với công nhân lao động ngoại tỉnh thuộc 2 đối tượng: F2 và thuê trọ trong các khu dân cư bị phong tỏa y tế tối thiểu 5 kg gạo/người.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất với Chính phủ quy định về việc chi trả chế độ cho người lao động khi phải cách ly theo quy định (hiện nay người lao động khi phải cách ly bị giảm thu nhập nghiêm trọng, phải chi trả tiền ăn, tiền xét nghiệm…). Cùng với đó, Tổng Liên đoàn có cơ chế hỗ trợ cán bộ công đoàn trực tiếp tham gia Ban chỉ đạo, cán bộ công đoàn thường xuyên tiếp xúc, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, hỗ trợ công nhân, lao động phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong các trường hợp phải cách ly, nhiễm bệnh, điều trị...

Công đoàn Y tế Việt Nam, Liên đoàn Lao động Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hưng Yên... cũng đã có cáo báo về tình hình dịch COVID-19 trong công nhân lao động và đề xuất kiến nghị tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đồng hành cùng người lao động, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỉ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự kiến 1.550 suất với trị giá 1.000.000 đồng/suất. Đồng thời, dành kinh phí 1 tỉ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa mỗi đơn vị 100 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn