MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Ảnh: hải nguyễn

Tổng LĐLĐVN thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Rất bài bản, có trách nhiệm

Việt Lâm LDO | 15/09/2020 07:06

Ngày 14.9, tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đã diễn ra Hội nghị kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) năm 2015. Đồng chí Hầu A Lềnh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Trưởng đoàn kiểm tra chủ trì hội nghị.

Các đồng chí: Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Phó Trưởng đoàn kiểm tra; đại diện Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam dự hội nghị…

Thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện…

Tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật MTTQVN năm 2015 của Tổng LĐLĐVN.

Đồng chí Phan Văn Anh cho biết, ngay sau khi Luật MTTQVN năm 2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành, các cấp Công đoàn (CĐ) đã nghiêm túc, chủ động tổ chức triển khai, quán triệt, phổ biến những nội dung chính của Luật MTTQVN lồng ghép với các buổi sinh hoạt CĐ, tuyên truyền, tập huấn đến đoàn viên CĐ, người lao động (NLĐ) trong cả nước.

Đồng thời, Tổng LĐLĐVN chỉ đạo các cấp CĐ bám sát kế hoạch của cấp ủy, chính quyền, MTTQVN các địa phương để phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào các nội dung như tuyên truyền; thực hiện giám sát; thực hiện phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức các phong trào thi đua; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; hoạt động đối ngoại nhân dân và tăng cường đoàn kết quốc tế…

Trong 5 năm qua, về nhiệm vụ giám sát, các cấp CĐ đã chủ trì giám sát 19.121 cuộc, tham gia giám sát 36.155 cuộc. Nội dung giám sát tập trung chủ yếu vào việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật CĐ, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến đoàn viên CĐ, NLĐ trong lĩnh vực tiền lương, hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; an toàn, vệ sinh lao động, BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… Các cấp CĐ cũng đã thực hiện phản biện thông qua tổ chức 17.363 cuộc hội nghị phản biện, 17.244 lần gửi dự thảo văn bản và đối thoại trực tiếp 28.868 cuộc. Nội dung tham gia góp ý, phản biện nhiều dự án luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ)…

CĐVN cũng đồng hành với MTTQVN, thực hiện chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên CĐ, NLĐ; đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; ký kết các thỏa thuận hợp tác; tổ chức các Chương trình “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa”, “Tết Sum vầy”…

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật MTTQVN năm 2015 của Tổng LĐLĐVN.

Các tổ chức thành viên cần tích cực phối hợp

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - cho rằng, trong thời gian tới, hoạt động giám sát cần đổi mới phương thức theo hướng xây dựng chủ đề hằng năm, theo từng lĩnh vực, giám sát từ cấp tỉnh đến trung ương, tập trung ghi nhận ý kiến nhân dân, NLĐ sau đó tổng hợp, rút kinh nghiệm thực hiện, để hoạt động giám sát sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Đồng chí Trần Thanh Hải cũng mong muốn, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp đến, Uỷ ban T.Ư MTTQVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với CĐ chăm lo tốt cho đoàn viên, NLĐ…

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đánh giá cao và khẳng định, Luật MTTQVN đã thực sự đi vào cuộc sống. Luật được triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ cấp uỷ, chính quyền các cấp, cán bộ CĐ, đoàn viên CĐ và NLĐ; vị trí, vai trò của MTTQVN và các đoàn thể chính trị ngày càng được nâng lên, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang đánh giá, Dự thảo báo cáo sơ kết của Tổng LĐLĐVN đã bước đầu tổng hợp được việc thực hiện Luật MTTQVN của các cấp CĐ, đánh giá được những nét cơ bản về hiệu quả tích cực sau khi luật có hiệu lực đối với hoạt động CĐ gắn với 7 nội dung về quyền và trách nhiệm của MTTQVN. Dự thảo cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cả khách quan và chủ quan; mạnh dạn đề ra các giải pháp trong thời gian tới, cùng với một số kiến nghị đối với Ủy ban T.Ư MTTQVN…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UB T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật MTTQVN của CĐVN rất bài bản, có trách nhiệm như với việc thực hiện Luật CĐ; hệ thống CĐ các cấp đã tuyên truyền, phổ biến sâu về Luật MTTQVN…

“Nhiều nội dung phản biện của CĐ các cấp đã được các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời đã được MTTQVN đưa vào tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp của Quốc hội. Trong thời gian tới, Tổng LĐLĐVN và các tổ chức thành viên cần chú trọng thay đổi phương pháp thực hiện Luật MTTQVN như tăng cường sự phối hợp để hình thành quy chế, tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, vướng mắc để từ đó rút ra được đánh giá chính xác về tác động của Luật đến với từng tổ chức, đơn vị, giúp cho quá trình thi hành Luật MTTQVN đạt hiệu quả hơn trong tương lai” - đồng chí Hầu A Lềnh có ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn