MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Văn Hùng, đang đăng ký tìm việc làm lái xe. Ảnh Nam Dương

TPHCM: Ít người đến Trung tâm dịch vụ việc làm tìm việc sau Tết

Nam Dương LDO | 22/02/2021 11:33

Nguyên nhân ít người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tìm việc là do lo ngại dịch COVID-19 và nhu cầu nhân lực ở một số ngành dịch vụ thương mại, nhà hàng, quán ăn thấp.

9h30 sáng 22.2, chúng tôi đến Phòng Giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH TPHCM ở 153 Xô viết Nghệ Tĩnh, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TPHCM. Lúc này trong phòng chỉ có 6 nhân viên đang ngồi làm việc và duy nhất một người lao động đang làm thủ tục đăng ký tìm việc.

Anh Nguyễn Văn Hùng, 42 tuổi, nhà ở Quận Bình Thạnh, cho biết trước đây anh làm lái xe cho một người Hàn Quốc ở Quận 1 với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Trước Tết, người này đã về nước nên hiện nay anh đi tìm việc làm mới. Mức lương anh mong muốn vẫn là 8 triệu đồng.

Khoảng 30 phút sau, mới có thêm chị Thu Hà, 55 tuổi, nguyên là nhân viên kế toán đã nghỉ hưu đến đăng ký tìm việc. Chị Hà cho biết, do chị nghỉ hưu trước tuổi, nên mức lương hưu của chị khá thấp, chỉ chưa được 3 triệu đồng/tháng, nên nay chị đi đăng ký tìm việc làm kiếm thêm thu nhập.

“Mức lương hưu thấp, trong khi mình còn đủ sức khỏe và có nghề nên nghĩ phải đi làm thêm để có thêm thu nhập. Giờ chỉ cần làm việc nhẹ nhàng kiếm thêm vài triệu đồng/tháng, còn dành thời gian để chăm lo cho gia đình nữa”, chị Hà chia sẻ.

Suốt từ 9h30 đến 10h30 sáng 22.2, chúng tôi chỉ thấy có hai người đến đăng ký tìm việc. Một vài người khác thì chỉ đứng ngoài, nhìn thông tin tuyển dụng được dán trên các bảng phía ngoài một lúc rồi bỏ đi.

Một nhân viên của Phòng Giới thiệu việc làm cũng cho biết từ đầu năm đến nay số lượng người đến tìm việc cũng ít so hơn so với các năm khác.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm dự báo Nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận định việc người lao động ít đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để tìm việc đầu năm do ý thức phòng chống lây nhiễm dịch COVID-19, hạn chế tập trung đông người.

Ngoài ra, do một số lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, quán ăn hay các quán cà phê khác còn thực hiện việc hạn chế tập trung theo quy định của UBND TPHCM, nên nhu cầu nhân lực ở các lĩnh vực này giảm, dẫn đến người đi tìm việc đầu năm giảm. Còn ở khu vực sản xuất, đa số nhân lực đã ổn định nên nhu cầu tìm việc hay hiện tượng “nhảy việc” như các năm trước cũng không cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn