MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Xuân Tuấn vẫn đều đặn chờ khách mỗi ngày tại chợ Bến Thành. Ảnh: V.L

TPHCM: Không có thu nhập, lao động tự do không dám nghĩ về Tết

Thanh Vũ - Ngọc Lê LDO | 08/12/2021 14:00
Trải qua quãng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cộng thêm việc Tết Nhâm Dần đang cận kề, nhiều lao động tự do tại TPHCM đang tranh thủ kiếm thêm thu nhập từng ngày.

Tiền ăn hằng ngày đã khó, tâm trí đâu nghĩ đến Tết

TPHCM trở lại nhịp sống bình thường, nhiều khu chợ  hoạt động trở lại đã tạo điều kiện cho nhiều lao động tự do, đặc biệt là những người làm công việc giao hàng được quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng qua, tình hình kinh doanh ảm đạm của các cơ sở kinh doanh khiến nhiều lao động tự do gặp khó khăn khi kiếm sống mỗi ngày.

Làm việc giao hàng tại chợ Bến Thành (quận 1) đã 37 năm nhưng chưa bao giờ ông Xuân Tuấn (ngụ quận Gò Vấp) lại thấy bếp bênh đến như vậy. Từ 5 giờ sáng hằng ngày, ông đều đặn đứng chờ khách tại chợ. Thế nhưng, thu nhập mỗi ngày của ông cũng chẳng tới 100.000 đồng.

“Tôi chạy xe ở chợ Bến Thành đã 37 năm nhưng hiện tại một ngày tôi kiếm không được 100.000 đồng. Có hôm cả ngày tôi không chạy được cuốc xe nào. Khi chưa có dịch, một ngày tôi kiếm 200.000 - 300.000 đồng là bình thường. Ngày nào tôi cũng ra đây ngồi từ 5h sáng và hy vọng sẽ có khách đi xe hay gọi tôi đi giao hàng. Đến trưa, tôi đi xin cơm từ thiện để ăn cho tiết kiệm chi phí vì tôi không làm ra tiền trong thời gian này” - ông Xuân Tuấn chia sẻ.

Ở tuổi gần 60, nhiều lần ông Tuấn đã suy nghĩ đến việc chuyển hướng sang chạy xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, do không rành sử dụng điện thoại thông minh cũng như phải chi nhiều khoản phí cho các khoản như đồng phục, điện thoại… khiến ông Tuấn chỉ có thể gắn bó với nghề giao hàng tự do. Kiếm được tiền giúp vợ con trang trải cuộc sống mỗi ngày đã khó, ông Tuấn cũng chẳng còn dám nghĩ đến một cái Tết ấm no.

“Tôi nghĩ rất nhiều người dân ở TPHCM cũng đang gặp khó khăn. Hơn nữa, nhiều khoản chi phí cho cuộc sống hằng ngày cũng rất cao. Tôi ngồi đây hơn 2 tháng nhưng không có một người khách vãng lai nào đi xe. Có lúc tôi đổ 30.000 đồng tiền xăng nhưng chạy 2 ngày chưa hết.

Tôi không còn dám nghĩ về Tết. Năm nay tôi bế tắc hoàn toàn. Hiện tại, việc kiếm tiền để lo bữa ăn từng ngày đã rất khó khăn thì làm gì còn tâm trí nghĩ về Tết” - ông Tuấn nói thêm.

Chỉ mong có đủ tiền nuôi con

Cũng là lao động tự do như ông Tuấn, anh Duy Thanh (ngụ quận 6), chọn nghề bán hàng rong. Anh mới trở lại với công việc sau khi trạng thái bình thường mới được kích hoạt, lượng tiêu thụ hàng hóa không nhiều. Anh Thanh bán mỗi phần hàng ăn vặt giá 20.000 đồng. Theo chia sẻ của anh Thanh, lượng hàng anh bán được sau dịch đã giảm khoảng 70% so với thời điểm trước khi TPHCM giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19.

“Tôi vừa bán lại từ lúc vừa nới lỏng giãn cách. Tình hình buôn bán tệ lắm. Ngày xưa bán 10 phần, giờ bán 3 phần còn không hết. Hiện tại, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý năm nay không có Tết. Làn sóng COVID-19 bùng phát khiến kinh tế bị thiệt hại nặng nề. Năm nay, tôi nghĩ mình không đủ khả năng đón Tết. Còn nếu cố gắng thì chắc chỉ có thể chuẩn bị ít hoa quả cho ông bà tổ tiên” - anh Thanh chia sẻ.

Bà Ngọc Thúy (ngụ huyện Bình Chánh) - phụ bán cà phê - cho rằng, để có một cái Tết gọi là tươm tất đối với những người lao động tự do, thu nhập thấp vào thời điểm này là điều không hề đơn giản.

“Bình thường thu nhập của tôi cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống mỗi ngày. Tuy nhiên, dịch bùng phát khiến tôi không đi làm được trong hơn 5 tháng. Bây giờ được làm việc trở lại, tôi chỉ mong có đủ tiền nuôi con và trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày. Tình hình này thì gia đình tôi không dám nghĩ đến việc ăn Tết nữa rồi” - bà Thuý tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn