MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có ít NLĐ đến Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM nhờ tư vấn về bị chậm đóng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi. Trong ảnh, nhân viên Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM tư vấn cho NLĐ. Ảnh: Đức Long

TP.Hồ Chí Minh: Trên 604.000 người lao động bị chậm đóng BHXH

Nam Dương LDO | 14/02/2023 08:00

TPHCM là 1 trong 5 địa phương có số doanh nghiệp chậm đóng BHXH cao nhất nước. Địa phương này có 62.440 đơn vị chậm đóng với số tiền chậm đóng là 3.432 tỉ đồng, tương ứng trên 604.260 lao động bị chậm đóng BHXH.

“Có những đơn vị cố tình trây ỳ”

Ngày 13.2, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, anh Văn Lê (tên nhân vật đã thay đổi vì lý do cá nhân), nguyên là nhân viên một công ty chuyên kinh doanh về bảo hiểm ở TPHCM cho biết, đến nay công ty của anh vẫn chưa đóng nốt số tiền nợ BHXH từ tháng 7.2021 đến tháng 8.2022 cho anh.

Anh Lê kể, anh vào công ty làm việc từ giữa năm 2020, hằng tháng công ty vẫn trừ tiền lương của anh để đóng BHXH. Thế nhưng, đến tháng 8.2022, khi xin nghỉ việc, nhận sổ BHXH, anh Lê mới “tá hỏa” vì biết công ty mới chỉ đóng BHXH cho anh đến tháng 6.2021. Còn thời gian từ tháng 7.2021 đến cuối tháng 8.2022, công ty đã không đóng BHXH cho anh. Mặc dù sau khi nghỉ việc, anh đã khiếu nại nhiều lần, nhưng đến nay, công ty vẫn chưa đóng nốt thời gian chậm đóng BHXH cho anh. Không chỉ riêng anh Lê mà hơn 100 nhân viên khác trong công ty cũng bị rơi vào tình trạng tương tự.

Theo nguồn tin từ BHXH Việt Nam, TPHCM là một trong 5 địa phương có số doanh nghiệp chậm đóng BHXH cao nhất nước với  62.440 đơn vị chậm đóng với số tiền chậm đóng là 3.432 tỉ đồng, tương ứng trên 604.260 lao động bị chậm đóng BHXH. Còn thông báo trên trang web chính thức của BHXH TPHCM cho biết đến giữa tháng 1.2023, có 979 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH từ 300 triệu đồng, trong 6 tháng trở lên.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh - Phó Giám đốc quản lý, điều hành BHXH TPHCM, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và tái bố trí NLĐ dẫn đến NLĐ tạm thời ngưng việc hoặc chấm dứt HĐLĐ, làm tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp, giảm số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền thu, tăng số tiền nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT. Bên cạnh những đơn vị khó khăn thực sự còn có những đơn vị cố tình trây ỳ, không không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Người lao động gặp khó khi kiện đòi BHXH

Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn luật sư TPHCM, phân tích mặc dù tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH rất nhiều, nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xử lý dứt điểm gặp khó khăn. Đầu tiên là NLĐ rất ít biết đến việc doanh nghiệp chậm đóng BHXH, vì chỉ khi nào NLĐ bị ốm đau, tai nạn lao động hay nghỉ chế độ thai sản mà đi khám bệnh hay đi sinh con không được BHXH giải quyết mới biết là doanh nghiệp không đóng BHXH cho mình. Một số doanh nghiệp trốn đóng BHXH, nhưng vẫn chi trả các chế độ BHXH về ốm đau, tai nạn lao động hay nghỉ chế độ thai sản cho NLĐ thay cho cơ quan BHXH, nên NLĐ không biết là doanh nghiệp chậm đóng BHXH. 

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM - cho biết, hầu hết các trường hợp đến nhờ trung tâm giúp đỡ chỉ là tranh chấp về tiền lương, hoặc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, bị kỷ luật sa thải chứ rất ít NLĐ đến nhờ tư vấn tranh chấp về BHXH. Bên cạnh đó, NLĐ gặp nhiều khó khăn khi đi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH, vì nếu tự mình đi kiện cũng phải đi tìm các chứng cứ về doanh nghiệp chậm đóng BHXH để làm căn cứ cho tòa thụ lý.

“Trong khi đó, tổ chức CĐ muốn hỗ trợ NLĐ khởi kiện tại tòa thì cũng chưa được coi là đại diện đương nhiên, mà từng NLĐ phải làm văn bản ủy quyền có công chứng cho cán bộ CĐ hoặc trung tâm tư vấn pháp luật thì tòa án mới xem xét, thụ lý. 

Ngoài ra, vụ kiện thường kéo dài nên tốn rất nhiều công sức. Tôi cho rằng, cần phải có quy trình giải quyết các vụ án tranh chấp lao động theo thủ tục rút gọn, chỉ trong vòng 1 đến 2 tháng phải xong vì các chứng cứ thường rất rõ ràng, giá trị tranh chấp không lớn và trong khi chờ sửa các quy định của pháp luật liên quan, TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn các tòa án cấp dưới để cho tổ chức CĐ là đại diện đương nhiên thay mặt NLĐ khởi kiện các vấn đề tranh chấp về lao động”, ông Triều kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn