MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động của Công ty Sài Gòn Food sẽ được thưởng Tết bình quân 2 tháng lương. Ảnh: Đức Long

Trả bằng hiện vật và truy thu thuế thu nhập: Hai mối lo từ thưởng Tết

Bằng Linh LDO | 19/12/2020 13:31

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đã có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng Tết, nợ lương của doanh nghiệp. Thế nhưng, liên quan đến khoản tiền thưởng Tết, điều lo lắng của đông đảo người lao động năm nay là câu chuyện trả thưởng bằng hiện vật và khoản thuế thu nhập cá nhân bị trừ “chóng mặt” sau khi nhận được thưởng Tết.

Lo lắng khi thưởng Tết bằng hiện vật

Đối với Tết Âm lịch, năm nay, Chính phủ quyết định cho một đợt nghỉ khá dài, bằng đúng 1 tuần lao động. Đây cũng là dịp để người dân, đặc biệt là người lao động trông chờ vào khoản tiền thưởng Tết để lo chi tiêu, mua sắm, đối nội ngoại.

Điểm khác biệt năm nay so với những năm trước là Luật Lao động (có hiệu lực từ ngày 1.1.2021) lại quy định: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Căn cứ vào điều này, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị thưởng cho người lao động “lương tháng 13” bằng tiền thì sẽ quy ra hiện vật, trong đó có hiện vật là sản phẩm của chính doanh nghiệp. Theo ghi nhận của Lao Động, dù các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp chưa chốt thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng theo đánh giá của Ban Chính sách - Pháp luật của LĐLĐ các tỉnh thì sẽ có không ít doanh nghiệp sẽ có khả năng trả thưởng bằng hiện vật.

Nguyên nhân, ông Trần Hải Đăng - Trưởng ban Chính sách của LĐLĐ tỉnh Kiên Giang - cho rằng, do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khả năng doanh nghiệp “phá vỡ” nội dung trả thưởng Tết bằng hiện vật thay cho bằng tiền như lâu nay là rất lớn.

Trong khi đó, một cán bộ Công đoàn cơ sở của tỉnh Bắc Giang cũng không đồng tình với thưởng Tết bằng hiện vật cho người lao động. Theo chị, thường thưởng Tết bằng hiện vật thì công nhân sẽ không thích vì nhu cầu, sở thích của mỗi người mỗi khác. Nếu chỉ thưởng quần áo, tivi… cho tất cả công nhân thì không phù hợp. Vì vậy, tốt nhất là thưởng Tết cho công nhân bằng tiền để công nhân có nhu cầu gì sẽ chủ động mua sắm.

Nỗi lo bị trừ thuế khủng

Một tin vui là từ ngày 1.7.2020, khi Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 được điều chỉnh theo hướng tăng mức giảm trừ từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với việc điều chỉnh này, khoảng 1 triệu người đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức đầu tiên sẽ không phải nộp nữa.

Tuy nhiên, với những khoản tiền thưởng Tết, khả năng phải nộp những khoản thuế “khủng” vẫn là nỗi lo canh cánh. Bởi lẽ, dù trừ khoản giảm trừ gia cảnh như đã nói trên thì theo Thông tư 111/2013/TT-BTC thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động bao gồm các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo giấy khen, bằng khen, huy chương, giải thưởng được Nhà nước phong tặng. Như vậy, người lao động được thưởng Tết và lương tháng 13 phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Anh Hoàng Minh Thái - nhân viên một công ty bất động sản ở Hà Nội - nói rằng: Anh được thưởng 100 triệu đồng dịp Tết Canh Tý. Nhưng sau Tết, khi nhận lương tháng thì anh bị trừ rất nặng với khoản trừ thuế thu nhập phải nộp lên tới hàng chục triệu đồng. “Năm nay dù khó khăn hơn nhưng công ty tôi cũng gắng sức để cho bằng năm ngoái, nhưng nghĩ đến khoản tiền thuế tôi lại rùng mình”- anh Thái nói.

Nhiều chuyên gia cũng nói rằng, việc người lao động bị trừ thuế nặng vì thưởng Tết là do quy định hiện nay, thuế suất thuế thu nhập cá chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và rất cao so với nhiều nước trong khu vực như: Singapore, Malaysia... Bởi vậy, cần phải sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp thì thuế thu nhập cá nhân mới công bằng và bền vững. Mức thuế suất áp dụng tối đa chỉ nên là 20% thay vì 35% như hiện nay. Trước đây, thuế doanh nghiệp từng đóng 30-50% nhưng giờ cũng đã giảm xuống, như vậy thuế thu nhập cho cá nhân cũng chỉ nên tối đa ở mức 20%.

Đặc biệt năm nay, dịch COVID-19 khiến cả doanh nghiệp và người lao động thiệt hại nặng thì dịp nghỉ Tết chính là cơ hội để nhiều ngành, nghề kích cầu. Trong đó, có ngành lương thực, may mặc, du lịch.

Tuy nhiên, khi bị áp thuế như vậy và việc COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2021, việc thắt chặt chi tiêu là dễ xảy ra. “Chúng tôi mong sớm có những điều chỉnh trong chính sách về việc được miễn hoặc là được chậm nộp thuế thu nhập hướng đến việc những năm tới đây, khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động không phải nộp thuế. Có như vậy, tiền thưởng mới thực sự có ý nghĩa, còn người lao động có thêm nguồn lực chi tiêu cho dịp Tết” - lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội chia sẻ. Đó có lẽ cũng là tâm sự chung của nhiều doanh nghiệp, người lao động dịp này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn