MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ ở doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Thu Nam

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động việc làm

THU NAM LDO | 28/02/2023 17:08

THỪA THIÊN HUẾ - Cán bộ Công đoàn đề xuất 3 giải pháp hoàn thiện khung pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động việc làm.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển bền vững của nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. 

Việc thực thi trách nhiệm xã hội thường được áp dụng như một chiến lược nhằm tìm kiếm hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp song song với đảm bảo phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường.

Đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động việc làm:

Một là, cần có giải pháp nâng dần mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức quy định hiện nay để  đáp ứng nhu cầu tối thiểu của  người lao động (NLĐ).

Theo khoản 1, Điều 91, Bộ Luật lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù mức lương tối thiểu của NLĐ đã được quy định điều chỉnh tăng dần qua hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ.

Hai là, quy định áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo cùng địa bàn mà NLĐ sống và làm việc.

Theo quy định hiện nay mức lương tối thiểu vùng được áp dụng chia theo địa bàn hoạt động của doanh nghiệp là chưa phù hợp với điều kiện sống của NLĐ.

Ví dụ: NLĐ đang sinh sống ở vùng 1, với nhiều chi tiêu đắt đỏ nhưng lại làm việc ở vùng 3 và được hưởng mức lương tối thiểu vùng 3.

Như vậy mức lương hằng tháng của NLĐ được hưởng không thể đáp ứng với mức sống tối thiểu của họ.

Thay vì quy định phân nhỏ các địa phương thuộc tỉnh, thành phố tương ứng với loại vùng thì lấy loại vùng cao nhất để áp dụng cho cả địa phương phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương đó.

Ví dụ: các tỉnh, thành phố lớn trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng…sẽ áp dụng vùng 1; các tỉnh, thành phố thuộc tỉnh sẽ được áp dụng các mức vùng tương ứng. Như vậy, NLĐ sinh sống và làm việc trong địa bàn sẽ có mức thu nhập tương ứng phù hợp hơn.

Ba là, mở rộng đối thoại trong quan hệ lao động.

BLLĐ năm 2019 quy định phạm vi thực hiện đối thoại tại nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động lao động, phát sinh và gắn liền với những vấn đề liên quan đến quyền nghĩa vụ của các bên trong Quan hệ lao động (QHLĐ) và chủ thể đối thoại thì chỉ có NSDLĐ và NLĐ hoặc (Người sử dụng lao động) NSDLĐ và tổ chức đại diện NLĐ.

Trong thực tế phạm vi đối thoại có thể rộng hơn có thể là ngành, liên ngành, vùng, khu vực và chủ thể có thể là nhiều bên (NSDLĐ + NLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ + Nhà nước, và các chủ thể khác) và nội dung có nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội liên quan đến quyền và nghĩa vụ các bên.

Như vậy, việc thực thi trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế là thiết yếu, bảo đảm tiếp cận phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh và cũng cố hình ảnh, thương hiệu của mình trên thị trường thế giới thì nhất thiết phải thực thi trách nhiệm xã hội đối với NLĐ vì họ là tài sản quý giá của doanh nghiệp, mang vai trò quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Từ đó doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với “tài sản” của mình trên cơ sở nền tảng quy định của pháp luật về trách nhiệm xã hội. Khung pháp lý chính là biện pháp có hiệu lực nhất đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội; đồng thời là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho việc phát  triển động cơ đạo đức của doanh nghiệp thường xuyên được củng cố, lan tỏa.

Sự điều chỉnh của pháp luật chính là xương sống, xuyên suốt cả quá trình thực hiện. Chính vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh các hạn chế, bất cập, các quy định chưa hợp lý để hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện hơn nhằm bảo đảm và tăng lợi ích cho NLĐ, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Một khung pháp lý hoàn thiện, buộc các doanh nghiệp phải thực thi trách nhiệm xã hội một cách đầy đủ và nghiêm túc là hết sức cần thiết để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn