MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù cuộc sống nhà trọ còn rất nhiều khó khăn, Linh vẫn luôn lạc quan. Ảnh: Đỗ Phương.

Trải lòng của nữ sinh vừa rời ghế nhà trường đi làm công nhân

Minh Phương- Quế Chi LDO | 16/11/2020 16:21
Vừa rời ghế nhà trường THPT, phải xa bạn bè và thầy cô, Thuỳ Linh - sinh năm 2002 đã quyết định không thi đại học mà xin vào làm công ty rồi trở thành công nhân.

“Chân ướt chân ráo”, Linh gặp vô vàn khó khăn và cùng với đó là những cảm giác hờn tủi với chúng bạn.

Nguyễn Thị Thuỳ Linh - quê ở Phú Thọ, hiện Linh đang là công nhân Công ty thuộc Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Linh có dáng người nhỏ nhắn xinh xắn. Nhiều người nhận xét cô có ngoại hình nổi bật và không nghĩ Linh lại chọn làm công nhân.

Thế là Linh xin tuyển vào công ty rồi trở thành công nhân. Bắt đầu một môi trường mới, xa mái trường, thầy cô và bạn bè, Linh phải tự nuôi sống bản thân mà không còn có thể dựa dẫm vào bố mẹ được nữa.

Làm ở bộ phận sơn hàng, một ngày Linh phải đứng 12 tiếng, nếu được giải lao chỉ được nghỉ 10 phút. Việc đứng lâu khiến chân Linh sưng to, bắp chân cứng đơ. “Về đến nhà, tôi gần như “sập nguồn”, rồi chìm vào giấc ngủ để nạp năng lượng cho ngày mai” - Linh kể. Cứ như vậy đến khoảng 2 tuần Linh mới có thể làm quen với công việc.

Hiện Linh đã được ký hợp đồng chính thức vào công ty. Mỗi tháng nếu trừ hết các khoản tiền bảo hiểm, lương của Linh cũng gần 8 triệu đồng/ tháng. Linh chỉ giữ lại 2 triệu đồng cho mình, còn lại gửi về cho bố mẹ nuôi em.

Để có được số lương gần 8 triệu đồng/ tháng, Linh phải làm liên tục từ thứ 2 đến thứ 6, nhiều khi cuối tuần cũng không được nghỉ. Cả thời gian của Linh chỉ quanh quẩn ở Cty và phòng trọ...

Đang vui vẻ trò chuyện, giọng Linh bỗng chùng xuống, Linh kể, hôm khai giảng, thấy bạn bè đăng ảnh mặc áo dài lên mạng xã hội. Linh nhìn vào đầy ngưỡng mộ và ước ao. Vì từ trước tới nay Linh chưa bao giờ được mặc áo dài.

Linh bảo nhiều lúc cũng tủi thân vì gia đình không có điều kiện. Hôm trước khi chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, cô giáo chủ nhiệm hỏi trong lớp bạn nào không thi Đại học. Có Linh dơ tay, sau đó, cô giáo nói, bạn khác cô không nói nhưng Linh thì cô tiếc quá...

Khi cô giáo nói vậy, Linh cũng phân vân với quyết định của mình. Bố mẹ cũng khuyên cô nên tiếp tục đi học, bố mẹ sẽ xin đi làm thêm để cho Linh được đi học nhưng vẫn giữ nguyên quyết định của mình là làm công nhân.

Nghĩ đi nghĩ lại, Linh thấy điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ làm ruộng, nếu Linh tiếp tục đi học, bố mẹ sẽ phải nuôi cô. Hơn nữa, cô không tự tin về năng lực của mình nên chọn không thi đại học.

Bạn bè sau khi biết ý định của Linh đều ngạc nhiên còn nói Linh "dồ", nhưng cô chỉ cười trừ. “Mỗi người có một hoàn cảnh. Nếu ai cũng giống nhau thì làm sao có phân công xã hội” – Linh cho hay.

Thuỳ Linh - đang là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long bên trong phòng trọ chật chội của mình. Ảnh: Đỗ Phương.

Có một lần Linh được giao nhiệm vụ hạ hàng thì không may đụng với xe thiết bị của người khác khiến hàng đổ xuống. Khi đó, quản lý chỉ trích rất nhiều, tuy không phải lỗi của Linh nhưng Linh đã rất sợ hãi, người run lên bần bật, sợ rằng mình làm sai.

Linh có ý định nghỉ việc nhưng sau khi bình tĩnh lại, cô vẫn tiếp tục làm việc. “Vì còn trẻ tuổi, nên tôi chưa có kinh nghiệm, dẫn đến mất bình tĩnh” – Linh trả lòng.

Cuộc sống dù khó khăn, nhưng Linh quyết tâm chăm chỉ làm lụng để dành dụm tiền để lo cho tương lai mình sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn